Nhiều đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp Đà Nẵng

TUẤN VỸ 13/12/2023 11:55

Tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng đang diễn ra, có nhiều ý kiến từ đại biểu HĐND cho rằng cần có thêm phương án cụ thể để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

>>Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận các gói hỗ trợ

Điều chỉnh bảng giá đất

Tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng lần thứ 15, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đang diễn ra (từ ngày 12-14/12), UBND TP. Đà Nẵng đã có tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung giá đất tại Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2024. UBND TP. Đà Nẵng nhận thấy tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn  thời gian qua khá trầm lắng, nhiều khu vực đóng băng không có giao dịch hoặc ít có giao dịch diễn ra.

Thông tin từ UBND TP. Đà Nẵng, địa phương nhận được rất nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp về việc giá đất thương mại dịch vụ tại bảng giá đất tăng cao trong khi giá đất phổ biến thị trường giảm từ 30% đến 50%. Theo các doanh nghiệp, việc bảng giá đất tăng cao đã khiến các doanh nghiệp vốn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nay càng khó khăn hơn.

Bảng giá đất tăng cao, đặc biệt là vệt ven biển khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình phục hồi.

Bảng giá đất tăng cao, đặc biệt là vệt ven biển tạo áp lực cho nhiều doanh nghiệp khi trong quá trình phục hồi.

“Doanh nghiệp đề nghị thành phố điều chỉnh lại giá đất thương mại dịch vụ cho phù hợp với tình hình thực tế thị trường”, tờ trình của UBND TP. Đà Nẵng nêu.

Vì vậy, TP. Đà Nẵng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung bảng giá đất tập trung vào các nội dung chính gồm Sửa đổi, bổ sung phân vệt khu đất tại Điều 1 của Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 24/12/2022 của UBND Thành phố, điều chỉnh giá đất tại một số đoạn đường, điều chỉnh tỉ lệ % giữa giá đất thương mại dịch vụ so với đất ở,… Đồng thời, đề xuất điều chỉnh giảm giá đất thương mại dịch vụ và bổ sung thêm hệ số phân vệt khu đất.

Trong đó, với giá đất thương mại, dịch vụ giảm 10% so với giá đất đã ban hành tại Bảng giá đất (điều chỉnh giảm từ 70% về 60% so với giá đất ở tại bảng giá đất). Đối với hệ số phân vệt theo chiều sâu khu đất, phần đất từ trên 100 m trở lên (hệ số 0,6) đang còn quá cao so với mặt bằng chung của nhiều tỉnh, thành phố khác. Hệ số sinh lợi đối với các thửa đất có chiều sâu lớn chưa phù hợp với xu hướng chung của thị trường (xu hướng giảm dần theo chiều sâu thửa đất) cần bổ sung hệ số phân vệt trên 100 m (bổ sung hệ số phân vệt từ trên 150 m đến 200 m và từ trên 200 m) cho phù hợp với thực tế thị trường.

Trước đó, đã có nhiều doanh nghiệp phản ánh về vấn đề này tại nhiều cuộc họp với TP. Đà Nẵng, nếu tờ trình này được HĐND TP. Đà Nẵng thông qua tại kỳ họp lần này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ giảm bớt khó khăn chung hiện nay. Đặc biệt là doanh nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng vệt ven biển lâu nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau những khó khăn của đại dịch.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Cũng tại kỳ họp lần này, ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng kiến nghị địa phương cần có giải pháp để các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, phát triển kinh tế, góp phần ổn định đời sống, việc làm của nhân dân. Cùng với đó, vị này cũng cho rằng địa phương cần xem xét việc điều chỉnh hệ số giá đất tại các khu công nghiệp, có chính sách hỗ trợ về hạ tầng để chia sẻ một phần khó khăn hiện nay doanh nghiệp đang đối mặt.

“Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung. Đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo được sự ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm”, ông Ngô Xuân Thắng đề xuất.

Doanh nghiệp tại Đà Nẵng muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng như

Doanh nghiệp tại Đà Nẵng muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng như "hạ nhiệt" lãi xuất vay.

Tại buổi thảo luận giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên (VCCI miền Trung- Tây Nguyên) với các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng vào ngày 7/12 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã nêu vấn đề khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi vì vướng chồng chéo. Cùng với đó, trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp cũng mong muốn lãi suất vay được “hạ nhiệt” để hỗ trợ các đơn vị trong quá trình phục hồi.

Theo các doanh nghiệp, công tác triển khai để tiếp cận vốn ưu đãi hiện nay đang rất kém, chưa thực sự gần và đơn giản. Vì vậy, doanh nghiệp muốn chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi phải có quy định cụ thể và đơn giản thủ tục, cần có biện pháp tháo gỡ nguồn vốn khi doanh nghiệp vay từ ngân hàng.

Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên thông tin các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến về việc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận được các gói hỗ trợ. Thông tin đến VCCI miền Trung – Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp cho biết còn gặp sự “đánh đố” từ thủ tục hành chính phức tạp, thông tin các gói hỗ trợ vẫn còn thiếu,...

“Cùng với đó là yếu tố khác làm doanh nghiệp khó có thể tiếp cận với gói hỗ trợ. Như việc chứng minh doanh nghiệp có khả năng phục hồi là việc làm rất cảm tính, bởi rất khó dự báo được tình hình thế giới, cũng như trong nước như hiện nay”, ông Nguyễn Tiến Quang nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng gặp khó trong thu ngân sách

    Đà Nẵng gặp khó trong thu ngân sách

    01:10, 13/12/2023

  • Cải thiện môi trường đầu tư Đà Nẵng theo hướng nào?

    Cải thiện môi trường đầu tư Đà Nẵng theo hướng nào?

    01:30, 05/12/2023

  • Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng

    Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng

    01:17, 30/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO