Doanh nghiệp địa ốc thiếu minh bạch, người mua mất niềm tin

DIỆU HOA 13/12/2023 20:00

Theo các chuyên gia, sự biến động của thị trường địa ốc trong hơn một năm qua đã khiến niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay, để phục hồi cần sớm minh bạch thông tin pháp lý, dữ liệu mua bán.

>>Khơi dòng tài chính bất động sản: Dồn lực phát triển nhà giá rẻ

Trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FinnGroup đã đặt vấn đề rằng không có pháp lý thì không nói chuyện đến tiền trong bối cảnh thị trường khó khăn, kể cả với khách hàng đi mua nhà.

Minh bạch thông tin là "chìa khóa" lấy lại niềm tin của người mua trên thị trường bất động sản. Ảnh: DH

Chủ động minh bạch thông tin

Cụ thể, theo ông Thuân, không phải cứ niêm yết doanh nghiệp thì được gọi là minh bạch. Dự án cũng cần minh bạch rõ câu chuyện tính pháp lý ra sao, bao giờ có giấy phép xây dựng hay chưa có giấy phép xây dựng. 

"Hay ngay trong câu chuyện phát hành trái phiếu, doanh nghiệp cũng cần phải minh bạch thông tin về dự án và về chủ đầu tư mới là cái cốt lõi để phát triển trường tồn trên thị trường này" - ông Thuân khẳng định.

Phân tích rõ hơn, Chủ tịch FiinGroup cho biết ông đã quan sát khoảng 1.000 chủ đầu tư chuyên nghiệp. Trước COVID - 19, họ tiêu thụ tới 140.000 – 150.000 căn tại thị trường Hà Nội và TPHCM. Trong điều kiện khó khăn như hiện giờ, số căn hộ tiêu thụ giảm sút, chỉ còn 20.000 – 30.000 căn. Nhưng rõ ràng, những doanh nghiệp minh bạch thông tin có cơ hội tồn tại qua các cuộc khủng hoảng.

"Doanh nghiệp nào mà tranh thủ, "nhanh tay nhanh mắt" ăn một dự án đậm xong biến mất thì không thấy phát triển được nữa", ông Thuân nói.

Thực tế trong giai đoạn từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản luôn là kênh “hái ra tiền”. Đầu tư vào bất động sản đã giúp nhiều người giàu lên nhanh chóng trong thời gian ngắn. Nhưng sự trầm lắng của hơn một năm qua cho thấy niềm tin trên thị trường đã bị lung lay rất nhiều.

Theo ông Lê Đình Chung – Tổng giám đốc SGO Homes, nhiều sự vụ trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của khách hàng trên thị trường bất động sản.

Một ví dụ rõ nét nhất về thực trạng này là dù lãi suất tiết kiệm đang ở mức rất thấp, chỉ 4 – 5%, nhưng các nhà đầu tư vẫn không rút tiền ra để đầu tư đất do lo ngại về thị trường, bất chấp nhiều chủ đầu tư tìm cách xoay sở, bán bất động sản chiết khấu đến 38%, hay cá biệt như ở Phan Thiết có nhà đầu tư bất động sản chiết khấu đến 50%.

>>Khơi dòng tài chính bất động sản

"Chìa khóa" hữu hiệu

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, cứ khoảng 100 người mua bất động sản thì có 15% thực sự hiểu, còn lại mua theo thói quen, niềm tin và không đặt nặng các vấn đề phân tích. Nhưng hiện nay nhiều dự án đã tung ra các chính sách ưu đãi vẫn khó tiếp cận khách mua, nhà đầu tư giữ tâm lý chờ đợi có thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp túi tiền hơn. Do đó, việc khôi phục niềm tin của người dân là điều quan trọng.

Cần xây dựng được cơ sở dữ liệu về các dự án sơ cấp, thứ cấp, tình trạng pháp lý dự án địa ốc. Ảnh: DH

Minh bạch cũng là yếu tố ông Nguyễn Quang Thuân muốn nhấn mạnh khi doanh nghiệp xây dựng hồ sơ trên thị trường vốn, trong bối cảnh ngân hàng không tập trung cho vay tín dụng bất động sản nhiều như giai đoạn trước. Ông cũng nhìn nhận rằng thị trường bất động sản sẽ rất lành mạnh nếu có thể xây dựng được cơ sở dữ liệu về các dự án sơ cấp, thứ cấp, tình trạng pháp lý, thanh tra ra sao, giá cả giao dịch thế nào.

Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, có 2 giải pháp có thể thực hiện ngay. Thứ nhất, niềm tin của doanh nghiệp và thị trường đến từ chính quyền và thủ tục pháp lý.

"Có thể thấy, thị trường tài chính hiện nay hoạt động hoàn toàn dựa vào niềm tin. Muốn lấy lại niềm tin của các tập đoàn bất động sản với hệ thống chính quyền thì cần giải quyết nhanh các thủ tục hành chính. Muốn làm được như vậy, chính quyền cần phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng và nhanh chóng để xử lý các vấn đề về pháp lý có liên quan đến thị trường bất động sản. Có những vấn đề cần phải nhờ đến các bộ luật nhưng cũng có những vấn đề chỉ cần đến các nghị định tạm thời phải ban hành ngay" - ông Nghĩa cho biết.

Thứ hai, là niềm tin của ngân hàng thương mại. Điều đó liên quan đến pháp lý, dự án tiền khả thi và nợ xấu. "Để có được lòng tin của ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp bất động sản, những doanh nghiệp đó phải có năng lực mạnh, có dự án tiền khả thi tốt, thủ tục pháp lý minh bạch, rõ ràng. Song song với đó, các ngân hàng cũng có nhu cầu cho vay - đây được coi là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi" - theo ông Nghĩa.

Có thể bạn quan tâm

  • Khơi dòng tài chính bất động sản: Dồn lực phát triển nhà giá rẻ

    Khơi dòng tài chính bất động sản: Dồn lực phát triển nhà giá rẻ

    11:23, 13/12/2023

  • Thị trường bất động sản 2024: Cơ hội và thách thức đan xen

    Thị trường bất động sản 2024: Cơ hội và thách thức đan xen

    05:00, 13/12/2023

  • Hé lộ yếu tố

    Hé lộ yếu tố "bóp nghẹt" bất động sản thương mại châu Á

    04:00, 13/12/2023

  • Khơi dòng tài chính bất động sản

    Khơi dòng tài chính bất động sản

    14:36, 12/12/2023

DIỆU HOA