“Cú hích” tăng trưởng tín dụng

LÊ MỸ thực hiện 14/12/2023 04:44

Hàng loạt nhà băng tiếp tục giảm lãi suất từ đầu tháng 12. Động thái này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

>>>Tìm hướng giải ngân hơn 600.000 tỷ đồng

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Quản Trọng Thành - Giám đốc khối Phân tích MSVN về xu hướng lãi suất trong thời gian tới.

Ông

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc khối Phân tích MSVN 

- Có thể nhìn thấy điều gì từ động thái liên tục hạ lãi suất của các ngân hàng, thưa ông?

Nếu nhìn vào xu hướng lãi suất huy động giảm mạnh hiện nay, thì chúng ta phải nhìn lại lãi suất thực tế đã giảm từ tháng 7-tháng 8. Tuy nhiên bước giảm mạnh nhất vẫn là từ tháng 11 và mới đây là các ngân hàng như VCB, cùng với đó là nhóm NH tư nhân đã đưa lãi suất huy động về mức thấp ngang với trước Covid-19, ở 4,8%. Trong khi đó nếu nhìn lãi suất cho vay 9 tháng, căn cứ trên BCTC 9 tháng của các NHTM, thì lãi suất cho vay vẫn chưa thực sự giảm mạnh và vẫn ở mức bình quân 10-11%/ năm. Cho đến gần đây, lãi suất cho vay đã bắt đầu điều chỉnh giảm tiếp 1-1,5%, thậm chí lãi suất cho vay của một số NHTM đã bắt đầu có mức áp dụng 7,1-7,2%/ năm. Như vậy có thể nói lãi suất đang có xu hướng điều chỉnh rất tốt, qua đó cũng giúp các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng hơn, tất nhiên vẫn còn 1 số lĩnh vực chưa được hưởng điều chỉnh tốt, chẳng hạn như cho vay kinh doanh hộ gia đình. Trong xu hướng chung, trong vòng 1 tháng tăng trưởng tín dụng đã rất cao và có thể kỳ vọng sẽ đẩy lên tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 11,5% vào cuối năm nay. 

- Liệu có thể kỳ vọng chi phí vốn ngân hàng sẽ còn tiếp tục rẻ hơn, từ đó, lại kéo theo lãi suất vay rẻ hơn nữa?

Nếu mọi biến số đầu vào không có biến động thì trong vòng 9 tháng tới, tức khoảng tháng 9 năm sau, mặt bằng lãi suất sẽ khá ổn định. 

Tất nhiên, sẽ có những thời điểm cá biệt ví dụ vào dịp gần tết để thu hút người gửi tiền, các ngân hàng sẽ triển khai các chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất; nhưng đây chỉ là diễn biến mang tính thời điểm, mùa vụ, còn cơ bản hệ thống vẫn sẽ giữ ở mức lãi suất thấp như hiện tại trong khoảng 9 tháng tới.

Lãi suất thấp sẽ tạo điều kiện giúp lãi suất vay tiếp tục hạ, khi chi phí vốn ngân hàng đang rẻ hơn. Theo tôi tới đây với việc giữ được chi phí giảm xuống, các ngân hàng có thể giảm thêm từ 1%/ năm. 

>>>Lãi suất huy động của các ngân hàng đồng loạt giảm sâu

- Hiện các chủ trương chính sách đang rất nỗ lực hỗ trợ vốn cho TTBĐS, ông có cho rằng khả năng dư nợ tín dụng BĐS sẽ tăng tốc mạnh trong thời gian tới đây?

Tính đến 30/09/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022. Thực ra, tỷ trọng dư nợ bất động sản/ tổng dư nợ khoảng 7% là mức thấp đã duy trì suốt 3-4 năm qua, và rất thấp so với quá khứ có giai đoạn tăng 13-14%. 

Bất động là kênh rất cần huy động vốn trung dài hạn. Nếu thị trường cổ phiếu, trái phiếu gặp khó khăn thì vốn của bất động sản sẽ dựa vào ngân hàng. Như chúng ta đã biết từ 2022, thị trường trái phiếu bị siết lại, các doanh nghiệp bất động sản phải dựa vào vốn ngân hàng và điều này theo tôi sẽ còn diễn ra trong ít nhất 1-1,5 năm tới đây, do đó có thể tăng tỷ lệ dư nợ của lĩnh vực này 7-8% là hoàn toàn hợp lý, không gây nguy hiểm cho hệ thống.

Ngoài ra, bất động sản là một ngành kinh tế lớn có tác động trực tiếp đến tăng trưởng GDP. Đặc biệt, với thị trường Việt Nam, bất động sản có vai trò quan trọng trong tâm lý của người dân, đó là sự cảm nhận về giá trị tài sản sở hữu tăng lên hay giảm đi, hay nói cách khác là người dân thường cảm thấy mình “nghèo đi” khi tài sản, thị trường bất động sản suy giảm, dẫn đến họ thắt lưng buộc bụng, không có nhu cầu chi tiêu và dẫn đến làm suy giảm tăng trưởng kinh tế. Đây chính là hiệu ứng tâm lý đã diễn ra trong hơn 1 năm qua. Vì vậy, rất cần khôi phục thị trường bất động sản sớm nếu muốn khôi phục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Tuy nhiên, muốn khôi phục thị trường bất động sản thì phải bơm vốn. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải ra hàng với các sản phẩm mà thị trường có nhu cầu, được hỗ trợ về giá vốn. Hiện một số doanh nghiệp như Vinhomes, Khang Điền, Nam Long… đã bắt đầu bung ra thị trường các dự án có liên kết với ngân hàng như vậy. Hi vọng đây sẽ là tín hiệu khởi sắc với cho vay mua nhà và có thể đẩy nhanh vốn vào ngân hàng. Thậm chí, chúng ta có thể kỳ vọng tăng  dư nợ bất động sản có thể lên trên 8%, hỗ trợ cho doanh nghiệp và thị trường trước khi thị trường TPDN thực sự phục hồi.

- Trân trọng cảm ơn Ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Room tín dụng xanh cho doanh nghiệp còn rất lớn

    Room tín dụng xanh cho doanh nghiệp còn rất lớn

    02:00, 11/12/2023

  • Lãi vay mua nhà thả nổi cao, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 dự báo thấp

    Lãi vay mua nhà thả nổi cao, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 dự báo thấp

    11:42, 09/12/2023

  • Năm 2024, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng sẽ đạt 13-14%

    Năm 2024, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng sẽ đạt 13-14%

    05:01, 09/12/2023

  • Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng

    Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng

    04:00, 09/12/2023

LÊ MỸ thực hiện