Đắk Nông tạo động lực phát triển từ 3 trụ cột
Sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với 03 trụ cột phát triển, bức tranh thu hút đầu tư Đắk Nông đã đạt được kết quả tích cực.
DĐDN có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông về vấn đề này.
Theo phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Lê Văn Chiến, 03 trụ cột phát triển Đắk Nông gồm: Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
- Ông có thể chia sẻ kết quả thu hút đầu tư từ 03 trụ cột trên trong thời gian qua?
Với sự quyết tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể: Tỉnh có 01 nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (chiếm gần 40% trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng năm khoảng gần 400 tỷ đồng; Chấp thuận đầu tư 06 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư trên 14.800 tỷ đồng và 03 dự án điện mặt trời với tổng vốn đầu tư trên 3.100 tỷ đồng. Đến nay, 04 dự án đã hoàn thành, trong đó có 02 dự án điện gió (01 dự án đã phát điện), 02 dự án điện mặt trời...
Tỉnh công nhận được 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô trên 2.400 ha và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục công nhận 03 vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, tỉnh thu hút 54 dự án nông lâm nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh thu hút 06 dự án đầu tư các khu, điểm du lịch với vốn đầu tư 786 tỷ đồng.
- Theo các chuyên gia, kết quả thu hút đầu tư của Đắk Nông chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thưa ông?
Đúng vậy! Thực tế, các dự án đầu tư vào tỉnh có quy mô còn nhỏ lẻ, giá trị gia tăng còn thấp; phần lớn là các dự án nông lâm nghiệp, các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao còn ít chưa tương xứng và chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguyên nhân chính do đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga – Ukraine...
Ngoài ra, Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 trên phạm vi 5 huyện và thành phố chiếm khoảng 27% diện tích tự nhiên của tỉnh, dẫn đến có sự chồng lấn với quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch đô thị, quy hoạch một số khu du lịch... ; Chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao chưa đáp ứng được nhu cầu.
- Để hóa giải những “điểm nghẽn” trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra những quyết sách nào trong việc định hướng các cấp, các ngành của tỉnh hiện thực hóa giải pháp mang tính đột phá năm 2023?
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động kết nối, mời gọi, gặp gỡ, làm việc với nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến khảo sát, tìm hiểu để đầu tư vào tỉnh; Tập trung khắc phục “điểm nghẽn” trong cải cách TTHC.
Mặt khác, tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị. Toàn tỉnh đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp được 282 km đường giao thông, nâng tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh từ 68% lên 69,8%, dự kiến năm 2023 tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh đạt 70%.
Song song đó, tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh chuyển đổi số...
- Tính minh bạch, sự năng động của chính quyền tỉnh, chỉ số tiếp cận đất đai… của Đắk Nông được cộng đồng doanh nghiệp chấm điểm chưa cao. Vậy tỉnh có giải pháp nào khắc phục, thưa ông?
Qua Hội nghị phân tích, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Đắk Nông năm 2022, tỉnh nhận thấy việc phối hợp thẩm định hồ sơ TTHC liên thông giữa một số sở, ngành, địa phương chưa kịp thời; công tác chuyển đổi số còn chậm...
Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc do quy hoạch bô-xít chồng lấn các dự án; cho phép tỉnh được triển khai các dự án, công trình nằm trong vùng quy hoạch bô-xít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đặc biệt là các công trình dự án nằm trong danh mục đầu tư công trong hạn; chương trình, dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đang triển khai đầu tư. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch tỉnh để định hướng thực hiện các quy hoạch ngành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất...
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư và chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư... Kiên quyết phê bình, kiểm điểm đơn vị trả lời kiến nghị của doanh nghiệp chậm trễ. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm