Du lịch Quảng Nam tất bật dịp cuối năm

TUẤN VỸ 18/12/2023 11:34

Quảng Nam là 1 trong 10 điểm đến ở Việt Nam được khách nội địa lựa chọn ghé thăm nhiều nhất trong dịp Tết dương lịch 2024, ngành du lịch địa phương đang tất bật triển khai chương trình phục vụ.

>>Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch tại Quảng Nam

Số liệu trên được ứng dụng đặt phòng trực tuyến hàng đầu thế giới Booking.com vừa công bố vào đầu tháng 12.

Doanh nghiệp, địa phương cùng lên chương trình

Cụ thể, khảo sát của Booking dựa trên số liệu khách Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trong tháng 11 với ngày nhận phòng từ 1/12 đến đầu năm 2024. Trong đó, Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) dẫn đầu danh sách này và là điểm đến có sự đột phá lớn nhất trong top 10 khi thăng 6 bậc so với cùng kỳ năm ngoái, các điểm đến còn lại lần lượt là Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Sa Pa và Mũi Né.

Theo khảo sát, các địa điểm du lịch nghỉ dưỡng tại các thành phố biển hoặc gần biển vẫn là xu hướng phổ biến của khách nội địa khi một nửa điểm đến trong danh sách gắn với biển. Cũng theo khảo sát của Booking, có đến 82% khách nội địa ưu tiên chuyến đi đến các điểm đến sở hữu cảnh quan môi trường nước như biển, sông, hồ...

Trong năm 2023, ngành du lịch Hội An nói riêng và du lịch Quảng Nam nói chung đã cải thiện sức hút mạnh mẽ với khách trong nước. Trong năm 2023, ngành du lịch địa phương ước đón 7,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượng khách quốc tế đạt 3,9 triệu lượt còn khách nội địa đạt khoảng 3,6 triệu lượt.

a

Khu nghỉ dưỡng Hoiana (Duy Xuyên) vừa kích hoạt mùa lễ hội Giáng sinh và chào năm mới 2024 bằng lễ thắp sáng cây thông Noel nằm trong chuỗi sự kiện “Mùa lễ hội diệu kỳ” mà Hoiana và các đối tác duy trì xuyên suốt tháng 12 đến tháng 2/2024.

Trong dịp Giáng sinh và chào năm mới 2024 là mùa cao điểm khách du lịch quốc tế và cũng là dịp diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện, ưu đãi kích cầu du lịch. Hiện nay, cả doanh nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị chương trình, dịch vụ để phục vụ nhu cầu của du khách.

Tại Khu nghỉ dưỡng Hoiana (Duy Xuyên), đơn vị này vừa kích hoạt mùa lễ hội Giáng sinh và chào năm mới 2024 bằng lễ thắp sáng cây thông Noel và trao biểu trưng gây quỹ cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh. Theo đó, chương trình nằm trong chuỗi sự kiện “Mùa lễ hội diệu kỳ” mà Hoiana và các đối tác duy trì xuyên suốt tháng 12 đến tháng 2/2024 với nhiều chương trình khuyến mãi và hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn, trong đó ưu đãi đặt phòng tiết kiệm có thể lên đến 60%.

Theo ông Steve Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Hoiana trong mùa lễ hội này Hoiana sẽ đem đến cho du khách nhiều điều đáng chờ đợi như các sản phẩm ẩm thực đặc sắc. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng sẽ tổ chức sự kiện đếm ngược chào năm mới trên bãi biển và chương trình bắn pháo hoa trong thời khắc giao thừa.

Trên toàn  địa bàn Quảng Nam, nhiều chương trình đã lên kế hoạch tổ chức nhằm  kích cầu mới mẻ kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách trải nghiệm như chương trình “Giáng sinh ánh sáng - trải nghiệm tuyết rơi” tại Công viên Ấn tượng Hội An, chương trình bữa tiệc âm nhạc Wake Up Santa kết hợp xiếc, ảo thuật đường phố tại Vin Wonders Nam Hội An (huyện Thăng Bình), Lễ hội văn hóa ẩm thực xứ Quảng lần thứ 1 với chủ đề “Món ngon xứ Quảng” (TP. Hội An),.… Với doanh nghiệp, các đơn vị đã tung ra thị trường nhiều loại hình ưu đãi hấp dẫn. Phổ biến nhất là giảm 10 - 30% giá phòng tùy theo số lượng hoặc hình thức đặt phòng, đồng thời giảm giá hoặc tặng kèm các hoạt động trải nghiệm trong gói đặt phòng như “đi 6 trả 5”, vật lý trị liệu, đi thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu… Tại Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh hiện cũng đang giảm 50% vé tham quan đến hết tháng 12.

Tại huyện Tây Giang vào ngày 24/12 sẽ diễn ra sự kiện ấn tượng là giải chạy trail xuyên rừng nguyên sinh K’lang Jungle Summit 2023. Được biết, tham gia giải chạy ngoài các vận động viên, du khách còn có đồng bào Cơ Tu địa phương.

Bà Bùi Thùy Giang - đại diện K’lang Adventure (đơn vị tổ chức) cho biết sự kiện nhằm kết nối con người với con người, con người với thiên nhiên thông qua hoạt động chạy địa hình xuyên rừng nguyên sinh.

“Đây là cũng sự kiện để lan tỏa, khuyến khích hoạt động du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm gắn với tài nguyên bản địa”, bà Giang nói.

Định hướng mở rộng dư địa

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay trong giai đoạn tới ngành du lịch địa phương sẽ tích cực xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là mở rộng dư địa về phía Tây. Theo ông Hồng, các địa phương miền núi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nên ngành sẽ tập trung xây dựng sản phẩm gắn với giá trị văn hóa, bản sắc cộng đồng địa phương theo định hướng du lịch xanh đã có sẵn.

Theo ông Hồng, vùng núi Quảng Nam là nơi sở hữu nhiều tài nguyên văn hóa và tự nhiên để phát triển du lịch, có Cửa khẩu quốc tế Nam Giang giáp với tỉnh Sê Kông, Cộng hòa DCND Lào là tuyến giao thông kết nối miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar, còn là nơi lưu giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ tu, Cor, Xơ đăng, Giẻ - Triêng với các lễ hội đặc trưng, lối sống sinh hoạt hằng ngày, nhiều món ăn đặc sản, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng…  Đây là những chất liệu quan trọng để hình thành nên những sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử…

Ngành du lịch Quảng Nam ghi nhận sự trở lại của khách quốc tế đông đúc.

Ngành du lịch Quảng Nam ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường quốc tế.

“Thực tế, du lịch miền núi Quảng Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều điểm du lịch tại các huyện vùng núi cao không thể đón xe khách 45 chỗ, khoảng cách giữa các điểm du lịch còn khá xa, lao động còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng, nhiều nơi làm du lịch tự phát, chưa được quy hoạch, đầu tư bài bản, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan... So với tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch miền núi Quảng Nam chưa thực sự được đầu tư tương xứng, hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch”, ông Hồng nói.

Vị này cho biết thời gian tới địa phương sẽ tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện và rừng phòng hộ để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng nhằm giảm tải cho khu vực di sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và cân bằng phát triển du lịch giữa các vùng trong tỉnh. Đồng thời, ngành du lịch nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác lợi thế so sánh về đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa đặc sắc tại các huyện miền núi, phát triển loại hình du lịch chữa bệnh từ các nguồn dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.

Cùng với đó, liên kết với các nước Lào, Thái Lan để thúc đẩy thu hút khách du lịch thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) - Đắc Tà Ọoc (tỉnh Sê Kông, Lào), liên kết với các tỉnh Tây Nguyên để đón dòng khách từ Tây Nguyên,...

Có thể bạn quan tâm

  • Liên kết điểm đến du lịch nông thôn Quảng Nam

    Liên kết điểm đến du lịch nông thôn Quảng Nam

    15:00, 15/12/2023

  • “Con đường xanh” cho du lịch Quảng Nam

    “Con đường xanh” cho du lịch Quảng Nam

    01:00, 08/12/2023

TUẤN VỸ