Những gam màu xám trong bức tranh kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc đã trải qua một năm 2023 đầy khó khăn về kinh tế do hậu quả của dịch Covid-19, suy giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước....
Bức tranh kinh tế năm 2023 của Trung Quốc không mang gam màu tươi sáng. Cường quốc tỷ dân đã phải vật lộn để phục hồi tăng trưởng sau chiến lược “zero Covid” kéo dài. Bất chấp những biện pháp của chính phủ, dữ liệu kinh tế đã không cải thiện nhiều suốt một năm. IMF dự đoán rằng GDP của Trung Quốc chỉ tăng hơn 5% trong năm nay, thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
>>Trung Quốc "mạnh tay" hoán đổi tiền tệ, USD chịu sức ép
Tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục
Điều đáng lo nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 là tỷ lệ thất nghiệp của nước này cao đến mức chính phủ nước này phải ngừng công bố số liệu thất nghiệp vào tháng 8 năm nay.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc tăng vọt lên mức kỷ lục là 21,3% vào tháng 6 năm nay từ mức hơn 11% vài năm trở lại đây. Đồng nghĩa, cứ 5 người trẻ Trung Quốc lại có một người không có việc làm. Tỷ lệ này cao gấp 3 lần các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Gần đây, số lượng việc làm theo báo cáo từ các cơ quan thống kê nhà nước cho thấy phần nào sự phục hồi. Nhưng các chuyên gia nước ngoài cho rằng các số liệu thực tế ảm đảm hơn nhiều.
Điều đáng lo ngại, trong năm qua giới trẻ Trung Quốc tiếp tục truyền tai nhau những thông điệp “ngừng cố gắng” trên mạng xã hội, cổ súy tư tưởng an phận và không muốn phấn đấu cho sự nghiệp. Các từ khóa như “tang ping” (hàm ý “nằm bẹp”) được truyền bá rộng rãi tới nỗi Chủ tịch Tập Cận Bình phải đích thân lên tiếng kêu gọi sự cố gắng của thanh niên nước này.
Trong tham vọng vươn lên trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới, sự chùn bước của lực lượng lao động hiện tại và tương lai đang gửi đi những tín hiệu xấu cho các nhà hoạch định ở Bắc Kinh.
Tiết kiệm thay vì chi tiêu
Một yếu tố làm sâu sắc cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc là do người dân không chi tiêu. Sau Covid, Bắc Kinh đã kỳ vọng lớn vào thúc đẩy tiêu dùng nội địa như một chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phá sản trong năm 2023. Sức mua yếu bắt nguồn từ niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Theo lý giải từ các chuyên gia, đây là hệ quả từ việc viện trợ ít ỏi cho các hộ gia đình trong thời kỳ đại dịch khiến nhiều người lao đao. Việc dành khoản chi tiêu lớn thực thi chính sách Zero Covid cũng khiến chính quyền địa phương có rất ít lựa chọn tài chính để hỗ trợ công chúng.
Kết cục, sau 3 năm phong tỏa, phần đông người dân Trung Quốc đang thận trọng hơn với các khoản chi tiêu để phòng vệ trước các khủng hoảng tiềm tàng. Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết tiền tiết kiệm của các hộ gia đình nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục, tương đương 2.600 tỉ USD vào năm 2022 - tăng 80% so với năm 2021.
>>Cuộc gặp thượng đỉnh có giúp quan hệ EU - Trung Quốc bớt u ám?
Đồng thời, những dữ liệu cũng cho thấy người dân Trung Quốc ngày càng lưỡng lự hơn trong việc kết hôn, góp phần làm tăng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang tiềm ẩn ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Bong bóng bất động sản
Khi người dân không muốn chi tiêu, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc bộc lộ những rạn nứt. Thị trường bất động sản là địa chỉ chủ yếu để đầu tư của cải ở Trung Quốc, chiếm tới 70% tài sản hộ gia đình, không khó hiểu khi những ông lớn như Evergrande... sụp đổ, khiến toàn bộ ngành này đóng băng.
Giá bất động sản ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn mọi ngành khác của nền kinh tế, khoảng 6 lần trong vòng 15 năm qua, khiến một số thành phố lớn lọt vào những nơi có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới.
Khoản nợ khổng lồ của các công ty bất động sản Trung Quốc chính là yếu tố thúc đẩy giá nhà tăng cao, khi các doanh nghiệp phải tăng thu để có thể chi trả các nghĩa vụ tài chính. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà suy yếu do các bất ổn bên trong và bên ngoài càng khiến các bế tắc của ngành không được giải quyết.
Trong thời kỳ hoàng kim, chính quyền địa phương Trung Quốc cũng nhiệt tình tham gia vào thị trường này bằng cách rót vốn đầu tư công hay huy động bằng các kênh tài chính khác như trái phiếu. Khi thị trường khủng hoảng, nợ chính quyền địa phương - ước tính khoảng 23.000 tỷ USD - giờ đây trở thành một vấn đề nan giải của Bắc Kinh.
Dòng vốn nước ngoài tháo chạy
Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF) chỉ ra thị trường chứng khoán và trái phiếu của Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn chảy ra nước ngoài trong 5 quý liên tiếp, lập kỷ lục về thời gian dài nhất trong lịch sử.
Trong quý 3 năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng của Trung Quốc lần đầu tiên chuyển sang mức âm, có nghĩa là đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã vượt quá đầu tư của nước ngoài vào Trung Quốc.
Áp lực dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc ngày càng gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại cùng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo lắng. Đồng thời, việc thúc đẩy kiểm soát và siết chặt vì lý do an ninh quốc gia và luật chống gián điệp được sửa đổi cũng làm dấy lên nghi ngờ về môi trường đầu tư, khiến các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại hơn.
Dù vậy, thị trường Trung Quốc được cho là vẫn hấp dẫn hơn nhiều so với các nước khác, giúp gia tăng sự kỳ vọng rằng sự chảy ra của dòng vốn chỉ mang tính giai đoan. Như ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) nhận định sự sụt giảm này chủ yếu là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và lãi suất tăng ở Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Trung Quốc 2024: Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng
03:30, 17/12/2023
Trung Quốc tìm cách tránh "bẫy công nghệ tầm trung"
03:30, 18/12/2023
Vì sao UAE đang xích lại gần hơn với Trung Quốc?
03:30, 20/12/2023
Quan hệ EU - Trung Quốc: Những thách thức cần vượt qua
03:30, 16/12/2023
Kỳ vọng đà phục hồi du lịch Trung Quốc
04:00, 12/12/2023
Bộ Thương mại Mỹ “thiếu tiền” để cạnh tranh với Trung Quốc
17:46, 09/12/2023