Bạc Liêu: Tăng tốc chuyển đổi số
Sự bứt phá từ tư duy đến hành động của các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã tạo được nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đã góp phần quan trọng vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
>> Bạc Liêu: Thu hút doanh nghiệp bằng lợi thế cạnh tranh
Chuyển đổi số đã từng bước thay đổi nhận thức, phương thức, thói quen từ làm thủ công sang môi trường số để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng bộ trên các lĩnh vực
Ông Bùi Thanh Toàn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bạc Liêu cho biết, xác định chuyển đổi số là động lực phát triển toàn diện của tỉnh, vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, Bạc Liêu đã và đang tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số.
Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả. 100% xã, phường, thị trấn đã có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng; 100% số trường học, bệnh viện trong tỉnh có kết nối Internet băng rộng; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động (2G, 3G, 4G) đạt 100%. Các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được duy trì, kết nối đến cấp huyện, cấp xã phục vụ khai thác các hệ thống thông tin dùng chung của Đảng và Nhà nước.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã triển khai thống nhất trên toàn tỉnh, cung cấp 1.105 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp 812 dịch vụ công trực tuyến toàn trình lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã triển khai thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương; tỷ lệ gửi nhận văn bản điện tử trong tỉnh đạt khoảng 98%. Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh đã được triển khai và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ….
Để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, Bạc Liêu đã thành lập 100% Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp khóm, ấp. Trong đó, có 64 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 508 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp khóm, ấp với hơn 4.177 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, góp phần chuyển đổi nhận thức, phương thức, thói quen từ làm thủ công sang môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quyết liệt bứt phá
Ông Bùi Thanh Toàn cho biết, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, giúp cho doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, dữ liệu, dịch vụ thông minh nhanh chóng, tiện lợi, ít chi phí và giảm phiền hà... thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng tốc chuyển đổi số bằng những hành động cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết, tầm quan trọng, lợi ích của chuyển đổi số trong đời sống kinh tế - xã hội. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải tham gia trực tiếp vào công cuộc chuyển đổi số, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Người đứng đầu lựa chọn vấn đề cần được ưu tiên giải quyết, đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của tỉnh.
Tỉnh tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, thu hút, kêu gọi, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ năng lực, chuyên môn triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Cùng với công tác kiện toàn bộ máy, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, tỉnh Bạc Liêu cũng tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho tất cả công chức, viên chức sao cho mỗi công chức, viên chức đều có thể phụ trách chuyển đổi số trong lĩnh vực của mình.
Theo ông Bùi Thanh Toàn, Bạc Liêu cũng tập trung đầu tư xây dựng trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh, hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng, phát triển các dịch vụ đô thị thông minh; tiếp tục đầu tư hạ tầng số, các hệ thống thông tin dùng chung theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; thúc đẩy sử dụng các nền tảng số; số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu dùng chung… Tỉnh cũng tạo lập dữ liệu mở phục vụ chính quyền, người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.
Có thể bạn quan tâm