Làm thế nào để cơ cấu lại phân khúc, hạ giá nhà?
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm.
>>> Bộ Xây dựng: Tiếp tục gỡ vướng cho các dự án bất động sản
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành văn bản hỏa tốc số 527/TB-VPCP, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Trong thông báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.
Động thái trên tiếp tục đánh dấu, là minh chứng cho nỗ lực quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh bền vững.
Trước đó, tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô sáng ngày 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, "góp gió thành bão" để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân mỗi người, mỗi chủ thể mới vượt qua khó khăn được, mới có sự phát triển chung.
Đặt vấn đề các doanh nghiệp BĐS đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, BĐS tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi “một chiều” thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?
Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
Giá bán tăng do đâu?
Thị trường BĐS khó khăn nhưng giá BĐS vẫn “neo" ở mức cao, thậm chí, phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn vẫn duy trì đà tăng, thiết lập mặt bằng giá mới lên mức cao kỷ lục, vượt xa thu nhập của đại đa số người dân. Trái ngược với sự sụt giảm về mức giá và thanh khoản của sản phẩm đất nền, biệt thự, shophouse, liền kề, nhà phố.
Cụ thể, dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá địa ốc đã tăng gấp hàng chục lần trong thập kỷ qua. Riêng trong năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai con số.
VARS dự báo, trong năm 2024, giá bán chung cư sơ cấp sẽ tiếp tục tăng trung bình khoảng 3 - 8%. Bởi nguồn cung trong ngắn hạn vẫn chưa được giải quyết. Khan hiếm nguồn cung mới khiến thị trường thiếu tính cạnh tranh, doanh nghiệp có dự án chung cư mở bán giai đoạn này là “vua", nếu không gặp khó khăn về dòng tiền, CĐT sẽ tiếp tục giữ giá cao để tối đa hóa lợi nhuận. Đồng thời, cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá cao hơn nữa.
>>> Doanh nghiệp khó giảm giá bán nhà
Giá chung cư neo cao không chỉ vì bởi CĐT cố giữ giá cao mà còn do chi phí đầu tư, xây dựng tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí tiếp cận tài chính tăng. Bên cạnh đó, chi phí tạo lập quỹ đất quá cao cùng nhiều khoản chi phí “không tên" phát sinh khi thực hiện thủ đầu đầu tư, xây dựng, phát triển dự án khiến CĐT khó giảm giá.
Lãi suất thấp cùng lạm phát cao kỷ lục của quãng thời gian trước cũng là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.
Nguồn cung ngày càng khan hiếm
Theo đó, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới rất ít và đang ngày càng có xu hướng sụt giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân, trung cấp. Cụ thể, theo số liệu công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, năm 2022, cả nước có 126 dự án được cấp phép mới, chỉ bằng 52,7% so với năm 2021 và 17% năm 2020.
Đáng chú ý, không có bất kỳ dự án nhà ở hình thành trong tương lai nào thuộc phân khúc bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở trong năm 2021 và năm 2022. Tỷ trọng căn hộ trung cấp (25-50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở cũng liên tục giảm 2 con số kể từ năm 2020.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cũng cho thấy, số lượng căn hộ bình dân, trung cấp được chào bán liên tục sụt giảm kể từ năm 2019. Cụ thể, tổng số căn hộ bình dân mở bán trong năm 2022 chỉ bằng 10% so với năm 2019.
Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán cũng liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 7% vào năm 2022. Trong giai đoạn 2019-2022, tỷ trọng căn hộ trung cấp cũng lần lượt tụt giảm xuống mức lần lượt là 54%, 46%, 34%, 27%.
Làm thế nào để cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm?
Theo VARS, để có thể cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm, cần có sự “chung tay, góp sức”, thống nhất quan điểm, cách thức triển khai, phối hợp của rất nhiều đối tượng, thành phần, từ cơ quan quản lý Nhà nước tới các Doanh nghiệp, Ngân hàng.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết, cần nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng. Xem xét các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Hiện nay, đây là hai hạng mục chiếm rất nhiều chi phí của CĐT, trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành của BĐS.
Đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm với tất cả các hành vi “gây khó” cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển dự án. Tránh phát sinh các “chi phí bôi trơn”, vô hình chung cũng bị cộng dồn vào giá thành sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhà ở phân khúc giá bình dân và người mua nhà. Cần có các cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ các chủ đầu tư nếu muốn cơ cấu lại các dự án theo hướng từ cao cấp sang bình dân, hoặc nhà ở xã hội.
Đối với doanh nghiệp BĐS, cần chủ động rà soát lại danh mục dự án đầu tư. Bán một phần hoặc toàn bộ các dự án không phù hợp với nguồn lực hiện tại. Chủ động cơ cấu nợ và lên phương án dòng tiền. Tập trung nguồn vốn vào các dự án đảm bảo pháp lý, có phương án vay vốn khả thi, có khả năng hoàn thành sớm, dễ thanh khoản.
Giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí chấp nhận bán lỗ, dùng lợi nhuận của các năm trước để duy trì hoạt động. Với các dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, chủ động định hướng sang phân khúc giá bình dân để đảm bảo khả năng hấp thụ khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS cần liên tục đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, áp dụng các thành tựu công nghệ để nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu chi phí.
Có thể bạn quan tâm
Chủ đầu tư không giảm giá nhà, người mua ngần ngại xuống tiền
15:38, 18/12/2023
HoREA đề nghị doanh nghiệp giảm giá nhà
07:00, 16/12/2023
Hơn 200.000 doanh nghiệp gia nhập và tái nhập thị trường
00:02, 29/11/2023
Vietnam Airlines gia nhập Hiệp hội các hãng hàng không Châu Á - Thái Bình Dương
09:50, 14/11/2023
Viessmann chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với những giải pháp toàn diện về nước
09:00, 02/11/2023