Hà Nội: Xử phạt hàng trăm chung cư mini

ĐAN THANH 24/12/2023 12:40

Trong năm 2023, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã xử lý 156 công trình vi phạm dạng chung cư mini, tổng số tiền xử phạt hành chính trên 3 tỉ đồng.

>>> Cấp sổ hồng cho chung cư mini: Thách thức về quản lý

Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2023, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 16.560 công trình, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 416 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 2,51%.

Hành lang pháp lý cho chung cư mini là rất cần thiết. Ảnh: DH

Số lượng chung cư mini đếm được tại Hà Nội lên tới cả nghìn “dự án”. Ảnh: Khánh Linh

Trong số này có 129 trường hợp xây dựng không phép; 232 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 50 trường hợp có các vi phạm khác. Lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 219/416 trường hợp, chiếm tỷ lệ 52,6%, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 197/416 trường hợp, chiếm tỷ lệ 47.4%.

UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 906 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 23,7 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước số tiền trên 15,2 tỷ đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15-9-2023 của UBND thành phố về việc tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện; đồng thời ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã trong quá trình kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng.

Kết quả ghi nhận như sau, các đơn vị đã tổ chức kiểm tra 69.448 công trình, trong đó có 2.611 nhà chung cư; 30.298 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ; 385 nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ và 36.154 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. UBND các quận, huyện, thị xã đã xử lý 156 công trình vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 3 tỷ đồng.

>>> Chung cư mini còn sức hấp dẫn?

Trước đó, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 475/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. 

Việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng mua chung cư mini vẫn là “bài toán” nan giải của cơ quan chức năng. Ảnh: Khánh Linh

Cần có hành lang pháp lý rõ ràng với loại hình chung cư mini . Ảnh: Khánh Linh

Trong đó, yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp về PCCC, xây dựng, điện lực, kịp thời khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót, nhất là ở cơ sở. Tiếp tục tổng rà soát, kiểm tra về công tác PCCC, nhất là đối với chung cư, nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12/2023).

Được biết, sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội), các vấn đề bất cập liên quan đến xây dựng và quản lý vận hành chung cư mini đang nhận về nhiều quan điểm trái chiều. Trong đó, phần lớn nguyên nhân được nhận định do các quy định pháp luật về “nhà chung cư mini” trong 13 năm qua chưa đồng bộ và thống nhất nên đã có những cách “hiểu sai” dẫn đến công tác quản lý còn lỏng lẻo.

Theo đó, cần có hành lang pháp lý rõ ràng với loại hình này bởi hiện nay và có thể trong nhiều thập niên sắp tới, bởi lẽ đây là loại căn hộ nhà ở có giá cho thuê, có giá bán vừa túi tiền, phù hợp với nhiều thành phần trong xã hội, đó là người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, sinh viên, học sinh, người độc thân, người mới kết hôn, người nhập cư.

“Bên cạnh việc không hợp thức hóa các sai phạm của chung cư mini, chúng ta cần phải nghiên cứu để đưa loại hình này vào các văn bản quy phạm pháp luật và có những tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý. Khi đó, người xây chung cư mini để bán và cho thuê sẽ phải đảm bảo các quy định và quyền lợi về tài chính, sức khỏe của người sử dụng chung cư mini sẽ được đảm bảo,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ. 

Có thể bạn quan tâm

  • Cấp sổ hồng cho chung cư mini: Thách thức về quản lý

    Cấp sổ hồng cho chung cư mini: Thách thức về quản lý

    11:00, 23/12/2023

  • Chung cư mini còn sức hấp dẫn?

    Chung cư mini còn sức hấp dẫn?

    12:00, 30/11/2023

  • Nhà đầu tư chung cư mini mong các quy định rõ ràng hơn

    Nhà đầu tư chung cư mini mong các quy định rõ ràng hơn

    01:08, 28/11/2023

  • Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua: Căn hộ chung cư mini được cấp sổ hồng

    Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua: Căn hộ chung cư mini được cấp sổ hồng

    15:30, 27/11/2023

ĐAN THANH