Chặn sở hữu chéo ngân hàng: Cách nào để nâng cao hiệu quả thực thi?
Để chặn sở hữu chéo ngân hàng, khâu thực thi phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và tăng cường năng lực, thẩm quyền, khả năng kết hợp...
>>>Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Giải pháp nào hạn chế thao túng, sở hữu chéo?
LTS: Một trong những nội dung quan trọng nhất của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) đó là ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, tránh thao túng hoạt động ngân hàng.
Trước năm 1990, Việt Nam chỉ tập trung vào bốn ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank. Tuy nhiên từ tháng 5/1990, pháp lệnh ngân hàng cho phép thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần; Đồng thời đến năm 2006 có Nghị định 141/2006/NĐ-CP về mức vốn xác định đối với các ngân hàng cổ phần.
Thiếu chế tài
Năm 2008, mức vốn này là 1.000 tỷ đồng và đến năm 2010 là 3.000 tỷ đồng. Như vậy sẽ có áp lực rất lớn đối với các ngân hàng trong bối cảnh số lượng các ngân hàng tăng nhanh, cạnh tranh trong tăng trưởng tín dụng và áp lực tăng vốn dẫn đến vấn đề về sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, giai đoạn năm 2005-2007 thị trường chứng khoán phát triển mạnh tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng vốn ồ ạt đồng thời sở hữu chéo xuất hiện.
Chính vì điều này, các cơ quan quản lý đã đưa ra trong dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) lần này trình Quốc hội về việc phải ngăn chặn sở hữu chéo. Tại Việt Nam, hiện tượng sở hữu chéo ngân hàng đã có từ lâu, thời kỳ cao điểm là giai đoạn 2011-2013. Trong câu chuyện này, vấn đề tồn tại ở chỗ một số doanh nghiệp lớn luôn muốn có một ngân hàng, hoặc một công ty tài chính là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp đó vận hành.
Về thủ thuật, doanh nghiệp có thể dùng công ty con để huy động trái phiếu và dùng tiền trái phiếu đó để quay về cho công ty mẹ vay tiền, hay công ty mẹ đứng ra vay tiền và chuyển lại phần vốn đó cho công ty con với lãi suất ưu đãi hơn. Hoặc thành lập một công ty tạm thời nào đó, chủ yếu để huy động vốn và dùng vốn đó vận hành công ty.
Như vậy, việc sở hữu chéo sẽ tạo ra vốn ảo, từ đó gây ảnh hưởng đến một loạt các chỉ số an toàn như CAR (hệ số an toàn vốn), nợ xấu tăng, trích lập dự phòng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận. Quan trọng nhất là ở góc độ quản lý, điều hành rủi ro về thâu tóm dẫn đến khả năng đổ vỡ hệ thống là có thể xảy ra, mà rủi ro lớn nữa là người gửi tiền.
Về bản chất, vốn là để đảm bảo ngân hàng có phần đối ứng khi nhận tiền gửi từ người dân, doanh nghiệp sau đó cho vay lại, nếu sở hữu chéo và có vốn không thật thì người gửi tiền phải chịu rủi ro.
>>>Tăng trách nhiệm kiểm soát nội bộ, chặn sở hữu chéo trong ngân hàng
Hiện phần lớn các ngân hàng đều theo chuẩn của Basel II, cụ thể theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước trong việc tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn và sử dụng các biện pháp đánh giá đủ vốn nội bộ. Nhưng với quy mô nền kinh tế hiện tại, GDP là 400 tỷ USD, cộng với kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 800 tỷ USD,... mà hệ thống ngân hàng đang đóng vai trò rất lớn trong cả nền kinh tế cũng như trong thị trường chứng khoán, thì yêu cầu về việc kiểm soát sở hữu chéo để tăng cường năng lực của hệ thống ngân hàng càng bức thiết hơn bao giờ hết.
Thực thi chuyên nghiệp
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động TCTD, minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các TCTD, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) bổ sung một số vấn đế như:
Thứ nhất, nhóm người có liên quan bao gồm: “công ty con của công ty con của TCTD; ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, cô, dì, chú, cậu, bác ruột, cháu ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột và ngược lại”; xác định rõ hơn đối tượng cá nhân được ủy quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân là cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, về việc giảm giới hạn sở hữu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân, tổ chức từ mức 5% và 15% vốn điều lệ của một ngân hàng xuống còn 3% và 10%. Tương tự, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
Thứ ba, là giới hạn cấp tín dụng. Đối với ngân hàng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng cho một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với tình trạng sở hữu chéo tại các TCTD, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau... việc tư vấn, giới thiệu khách hàng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, việc tư vấn, bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Có thể bạn quan tâm