Ngày 15/1/2018 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi (TCTD) chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.
Theo khoản 4 điều 34, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Theo quy định mới của Luật, Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Với các quy định cụ thể hơn, nhiều “sếp” ngân hàng đang kiêm nhiệm tại nhiều vị trí khác trong các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ngân hàng sẽ phải đưa ra quyết định trong thời gian tới.
Được biết thời gian qua bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacABank thông báo sẽ rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó. Bà Hương chia sẻ rằng đã hoàn thành sứ mệnh tại TH True Milk
Bà Thái Hương, Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch BacABank hiện đang trực tiếp nắm giữ 4,325% cổ phần BacABank. Trước bà Thái Hương, ông Dương Công Minh từ chức khỏi vị trị Chủ tịch của Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu của Sacombank. Mới đây, ông Đỗ Minh Phú cũng đã quyết định rời vị trí lãnh đạo tại doanh nghiệp, tiếp tục đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại TPBank.
Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, khi Luật có hiệu lực sẽ có rất nhiều vị trí lãnh đạo DN phải chia tay 1 trong 2 chức theo yêu cầu của Luật các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.
Không chỉ dừng lại việc "chặt vòi" bạch tuộc sở hữu chéo, bên cạnh đó, Luật các TCTD sửa đổi cũng tăng cường hoạt động giám sát giao dịch liên quan đến cổ phần sở hữu tại các ngân hàng, thông qua bổ sung thêm Điều 29 về “Những thay đổi phải được Ngân hàng nhà nước chấp thuận”.
Trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Không những thế, bên mua và bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần.
Luật TCTD sửa đổi cũng bổ sung quy định về trường hợp Người có liên quan là pháp nhân, cá nhân khác “có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” được xác định theo quy định nội bộ hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của NHNN.
Ngoài ra, Luật các TCTD sửa đổi cũng bổ sung, sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của TCTD được quy định tại Điều 50 nhằm cải thiện năng lực điều hành cho các cấp quản lý tại ngân hàng.
Với quy định từ 15/1/2018, đặc biệt việc quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo của các ngân hàng hiện nay, rõ ràng các lãnh đạo ngân hàng bắt buộc phải từ nhiệm một trong hai chức danh tại ngân hàng và các doanh nghiệp mà họ kiêm nhiệm. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu việc quy định này là bước tiến mới nhằm "chặt vòi" bạch tuộc của sở hữu chéo và đảm bảo hoạt động an toàn của toàn hệ thống các TCTD trong tình hình mới…