Bắc Ninh: Đổi mới, sáng tạo để tạo đà tăng tốc
Sau một hành trình dài phát triển, Bắc Ninh, từ một tỉnh nông nghiệp, cơ sở hạ tầng khó khăn, đến nay Bắc Ninh có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.
>>>Tỉnh Bắc Ninh nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 vượt so với kế hoạch
Đó là phát biểu của bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh tại hội nghị tháng 12 vừa qua. Với sự năng động, quyết tâm cao của hệ thống chính trị, nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Bắc Ninh đã tạo được những bước đột phá về quy mô kinh tế. Từng bước đáp ứng tiêu chí trở thành đô thị loại I, với tỉ lệ đô thị hóa đạt 60,3%; là một cực tăng trưởng và luôn nằm trong nhóm những tỉnh phát triển nhất cả nước; có nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội nằm trong tốp 10 cả nước:
Quy mô sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất; Giá trị xuất khẩu đứng thứ 2, nhập khẩu đứng thứ 3; Chỉ số xanh cấp tỉnh đứng thứ 3; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 4; Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đứng thứ 7 (luỹ kế đến nay đạt 24,6 tỷ đô la Mỹ); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng 7; Quy mô GRDP đứng thứ 9; Dẫn đầu cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên GRDP.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có trên 18 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn điều lệ đăng ký trên 356 nghìn tỷ đồng; Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 19,7 tỷ đồng; số đơn vị trực thuộc (Chi nhánh, Văn phòng đại diện và Địa điểm kinh doanh) đang hoạt động là 5.516 đơn vị. Đặc biệt, năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 30,8%, vốn đăng ký tăng 61,2%.
Bắc Ninh còn đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực an sinh xã hội như: y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, với nhiều chính sách hỗ trợ đi trước, cao hơn so với quy định của Trung ương.
Với vị thế và tiềm năng to lớn, mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ của Vùng; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.
Sáng tạo và đổi mới đột phá đi lên
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trở thành một xu thế tất yếu, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương tiên phong dẫn đầu cả nước trong việc phát huy vai trò của kinh tế đối ngoại, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển bền vững kinh tế.
Chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh Bắc Ninh. Không chỉ tích cực đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, Bắc Ninh còn tăng cường thu hút đầu tư cùng các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, nhờ vậy thu hút đầu tư nước ngoài của địa phương tiếp tục khởi sắc với nhiều thành quả tốt đẹp.
Kinh tế đối ngoại là điểm sáng trong thành tựu 25 năm xây dựng và phát triển, với dấu ấn nổi bật là thu hút vốn đầu tư từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, lĩnh vực điện tử đã tạo bước đột phá lớn cho hoạt động ngoại thương. Nhờ tích cực đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư cùng các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp nên thu hút đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh tiếp tục khởi sắc. Tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh đồng thời đã điều chỉnh quá trình lựa chọn đột phá chiến lược trong từng giai đoạn để đưa công nghiệp vươn lên trình độ mới. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ được quan tâm và từng bước tạo điểm nhấn bứt phá, hình thành liên kết, kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước tạo nền tảng vững chắc và khẳng định vai trò đầu tàu về kinh tế.
Điểm nổi bật cho đầu tư phát triển là thu hút được vốn của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như Samsung, Canon, Hồng Hải, Nokia, Microsof... Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 2.109 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đạt 24,94 tỷ USD (đứng thứ tư cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút luỹ kế).
Trong xúc tiến đầu tư và thu hút vốn đã tập trung đổi mới, đẩy mạnh đầu tư gắn với phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút hỗ trợ luôn sát cánh và đồng hành cùng các nhà đầu tư. Thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, đầu tư chất lượng cao và quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng.
Ông Vương Quốc Tuấn chia sẻ, năm 2023, Bắc Ninh đã tổ chức các cuộc “Gặp gỡ” “Đối thoại”, với hàng loạt đối tác tiềm năng trong và ngoài nước: Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ; Đối thoại với doanh nghiệp FDI; Gặp gỡ Bắc Ninh - Nhật Bản; Hội nghị xúc tiến đầu tư các ngành điện tử Trung Quốc, tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ...
Với phương châm đối ngoại chủ động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, hợp tác với các địa phương, đơn vị cũng được đẩy mạnh, với việc ký kết Chương trình hợp tác phát triển Bắc Giang - Bắc Ninh; thành lập các đoàn công tác tìm hiểu cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Tỉnh còn thành lập “Tổ công tác đặc biệt” và 5 tổ chuyên gia giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.
Những dấu ấn
Giai đoạn 1997-2010 là những năm tỉnh định hình mô hình phát triển kinh tế, với việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các khu công nghiệp tập trung, củng cố các cụm công nghiệp làng nghề, thu hút vốn đầu tư các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Mỹ... nhằm xây dựng nền tảng.
Giai đoạn 2011-2021, với nền tảng của gần 15 năm trước cùng với sự gia tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp FDI, kinh tế Bắc Ninh có đà để tăng tốc.
Đến năm 2021, quy mô Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã tăng lên 227,0 nghìn tỷ đồng, gấp gần 5 lần năm 2010 và gấp 54,1 lần năm 1997; chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ tư vùng đồng bằng sông Hồng.
Đây là dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Qua 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm. Quy mô kinh tế mở rộng, cơ sở kinh tế tăng nhanh đã góp phần gia tăng các nguồn thu cho ngân sách. Từ năm 2011, Bắc Ninh là tỉnh thứ 13 tự cân đối và có điều tiết về ngân sách Trung ương (7%/năm).
Vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2023, GRDP năm 2023 ước đạt 220,2 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành). Cơ cấu kinh tế: khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 72,18%; dịch vụ chiếm 20,68%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,88%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,26%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 27.966 tỷ đồng. Xuất khẩu ước đạt 40.342 triệu USD; nhập khẩu 33.280 triệu USD.
Bắc Ninh đang ngày càng khẳng định vai đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp Bắc Ninh phát triển
14:48, 19/12/2023
Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả nổi bật năm 2023
07:28, 04/12/2023
Lan tỏa, kết nối đầu tư Bắc Ninh – Nhật Bản
10:32, 18/11/2023
Tỉnh Bắc Ninh tăng cường hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư với các đối tác Hàn Quốc
17:32, 11/11/2023
Bắc Ninh: Dấu ấn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX
08:08, 17/10/2023
Bắc Ninh: Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp, HTX
17:18, 27/10/2023
Bắc Ninh: Phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
14:05, 31/10/2023