Vụ doanh nghiệp “kêu cứu” vì “trát phạt” tại Hải Phòng: Văn bản của Tổng cục Hải quan có đúng luật?

NGUYỄN GIANG 27/12/2023 03:40

Liên quan tới Quyết định ấn định thuế và Quyết định xử phạt hành chính Công ty LYAN, luật sư cho rằng, việc ban hành văn bản số 4389 của Tổng cục Hải quan là trái luật, cần thiết phải hủy bỏ…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Cục Hải quan TP Hải Phòng đối với Công ty TNHH LYAN Việt Nam (viết tắt là Công ty LYAN, địa chỉ tại cầu vượt Quán Gỏi, đường Nguyễn Văn Linh, phường Minh Đức, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

Hiện nay Công ty LYAN đang đứng bên bờ vực phá sản, bởi đã mất hết khách hàng, các khoản đã thanh toán cho nhà máy để sản xuất đơn hàng cũng đều không được giao…

>>Hải phòng: Doanh nghiệp “kêu cứu” vì “trát phạt” bất ngờ

hihihihi

Cục Hải quan TP Hải Phòng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định ấn định thuế khiến doanh nghiệp liên tục khiếu nại, khiếu kiện và phải cầu cứu các cơ quan chức năng. Ảnh minh họa

“Trát phạt” bất ngờ

Cụ thể, ngày 14/01/2021, Cục Hải quan TP Hải Phòng có Thông báo số 474/TB-HQHP về kết quả kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, tại Thông báo này, cơ quan Hải quan không đưa ra việc Công ty LYAN khai sai mã hàng hóa đối với các tờ khai và cũng không có bất kỳ yêu cầu nào đối doanh nghiệp cũng như hàng hóa của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ngày 07/10/2021 (tức 10 tháng sau – PV), Cục Hải quan TP Hải Phòng có Thông báo kết quả kiểm tra sau thông quan số 9781/TB-HQHP nội dung tiếp theo của thông báo 474/TB-HQHP, trên cơ sở kết quả kiểm tra sau thông quan Cục Hải quan TP Hải Phòng ban hành Quyết định ấn định thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là Lốp ô tô chưa qua sử dụng (mới 100%) đối với các tờ khai nhập khẩu của Công ty LYAN Việt Nam.

Cục Hải quan TP Hải Phòng đã căn cứ Văn bản số 4389/TCHQ-TXNK ngày 13/09/2021 của Tổng cục Hải quan (gọi tắt là Văn bản số 4389 - PV) để áp dụng đối với 54 tờ khai nhập khẩu của Công ty năm 2020, kết luận “Công ty khai báo sai mã số, thuế suất đối với mặt hàng khai báo là Lốp xe đầu kéo, rơ moóc, sơ mi rơ mooc.”

Sau Thông báo này, ngày 5/11/2021, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng tiếp tục ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1883/QĐ-XPVPHC đối với Công ty LYAN Việt Nam với các lỗi vi phạm  tương ứng, đồng thời xử phạt số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án này, ngày 07/12/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có Quyết định số 14218/QĐ-PT đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giữa người khởi kiện là Công ty LYAN Việt Nam và người bị khởi kiện là Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng. Theo đó, phiên tòa sẽ được xét xử công khai vào ngày 28/12/2023 tới đây.

>>“Gánh nặng” mã HS bao giờ được… trút bỏ?

Văn bản hướng dẫn có trái luật?

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh sự việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Luật Emme Law thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho rằng, Quyết định ấn định thuế và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Hải quan Hải Phòng đối với Công ty LYAN là hoàn toàn trái luật. Cụ thể, theo phân tích của luật sư Tạ Anh Tuấn, một trong những căn cứ quan trọng để Cục Hải quan Hải phòng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty LYAN là căn cứ vào Văn bản số 4389/TCHQ-TXNK ngày 13/09/2021 của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Tuy nhiên, luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, văn bản này được ban hành trái quy định của pháp luật. “Đây được cho là một văn bản mang tính hướng dẫn nội bộ, tuy nhiên, phần nội dung, thể thức của văn bản này rất vô lý, nếu không muốn nói Tổng Cục Hải Quan đã lạm quyền khi làm thay cả nhiệm vụ của các Bộ, Ngành khác... “, luật sư Tuấn chia sẻ.

Cụ thể, theo luật sư Tạ Anh Tuấn, Văn bản số 4389 được ban hành dưới hình thức Công văn là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần cho nhiều đối tượng bị điều chỉnh theo quy định tại Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020 như: đối tượng bị điều chỉnh là các Doanh nghiệp nhập khẩu lốp ô tô chưa qua sử dụng, trong đó có Công ty LYAN.

“Do đó, việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020)”, vị luật sư phân tích. Mặt khác, về nội dung của Văn bản số 4389 Tổng Cục Hải quan viện dẫn Chú giải chi tiết HS 2017 nhóm 4011 “Lốp loại bơm hơi bằng cao su, chưa qua sử dụng” có sự nhầm lẫn với phân nhóm chi tiết mã hàng 4011.90Loại khác” được chú giải “Các loại lốp này có thể dùng trong bất cứ loại xe cộ hoặc máy bay nào, trong đồ chơi có bánh, máy móc có bánh, vũ khí pháo binh có bánh ….Chúng có thể cần hoặc không cần có săm bên trong”.

Việc áp dụng phân loại hàng hóa trong văn bản này trái với Điều 26 Luật Hải quan, Thông tư số 14/2015/TT-BTC và Thông tư số 65/2017/TT_BTC và QCVN 34: 2017/BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô.

hihihihi

Luật sư cho rằng,Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành văn bản số 4389 trái pháp luật. Ảnh: Nguyễn Giang

Cũng theo luật sư Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành văn bản số 4389 trái thẩm quyền. Cụ thể, theo Quyết định số 2320/QĐ-TCHQ ngày 20/10/2011 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan v/v quy định thẩm quyền ký văn bản tại cơ quan Tổng cục Hải quan đang có hiệu lực thi hành tại điểm c, khoản 2 Điều 4 mục II quy định về thẩm quyền của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan được ký các văn bản sau: “Văn bản quy định các chế độ, chính sách chung trên các lĩnh vực nghiệp vụ quản lý nhà nước về hải quan mà không thuộc danh mục văn bản quy phạm pháp luật theo quy định”.

“Dẫn chiếu quy định này rõ ràng Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký ban hanh văn bản số 4839 để hướng dẫn phân loại mặt hàng lốp dùng cho ô tô chở hàng, ô tô đầu kéo, sơ mi rơ mooc có chứa đựng quy phạm pháp luật nên không thuộc thẩm quyền ký ban hành của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan”, luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết.

Đáng chú ý, vị luật sư này cũng cho rằng, Văn bản số 4389 ngày 13/9/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được ban hành sau khi hoạt động nhập khẩu lốp ô tô của của Công ty LYAN được thực hiện (năm 2020) và ban hành sau khi có Thông báo về việc kiểm tra sau thông quan đối với công ty LYAN ngày 14/01/2021.

“Hơn nữa, Văn bản 4389 không có hiệu lực hồi tố để xử phạt đối với công ty LYAN vi phạm Khoản 4, điều 6 Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015. Do đó, có thể thấy, Cục Hải quan TP Hải phòng đã có sai lầm trong việc áp dụng Văn bản này để ban hành Quyết định xử phạt và Quyết định ấn định thuế”, luật sư Tạ Anh Tuấn nói.

Được biết, liên quan đến nội dung này, ngày 21/12/2023, Công ty TNHH Luật Emme Law và luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Công ty LYAN đã có Công văn kiến nghị số 20-12/2023/CV-EML gửi Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm – TAND cấp cao tại Hà Nội về việc đưa thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

Theo đó, các luật sư cho rằng, văn bản số 4389 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố áp lại mã hàng hóa nhập khẩu Lốp ô tô chưa qua sử dụng trái quy định của pháp luật, do đó, cần thiết phải hủy bỏ. Bởi vậy, các luật sư nhận định, cần phải đưa Tổng cục Hải quan tham gia tố tụng trong vụ án.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • Danh mục mã HS 2022 - Đáp ứng yêu cầu hội nhập

    Danh mục mã HS 2022 - Đáp ứng yêu cầu hội nhập

    15:00, 06/03/2022

  • “Gánh nặng” mã HS: Trách nhiệm của cơ quan Hải quan ở đâu?

    “Gánh nặng” mã HS: Trách nhiệm của cơ quan Hải quan ở đâu?

    04:30, 20/07/2021

  • “Gánh nặng” mã HS bao giờ được… trút bỏ?

    “Gánh nặng” mã HS bao giờ được… trút bỏ?

    07:50, 16/07/2021

NGUYỄN GIANG