Động lực cho bất động sản “xoay chiều”

HUYỀN TRANG 01/01/2024 06:00

2024 là năm được dự báo có nhiều gam màu sáng trong “bức tranh” toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS). Các chính sách điều hành kịp thời, sát thực tế là "động lực" để BĐS xoay chiều.

>> 4 yếu tố tác động đến thị trường bất động sản 2024

Năm 2023, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.

 Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường Bất động sản do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức

Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường Bất động sản do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức 

Nỗ lực “phá băng"

Tháng 2/2023, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn lành mạnh, bền vững. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng của thị trường BĐS, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực BĐS và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường BĐS tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững.

Ngày 5/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp đàm phán với trái chủ về giãn hoãn nợ, bán chiết khấu tài sản, đổi tài sản lấy trái phiếu...

Tiếp đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Cùng đó là Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 20/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội"... Chủ trương chính sách tiền tệ cũng chuyển từ “chặt chẽ” (trước tháng 10/2022) sang “chắc chắn” (từ tháng 10/2022) và tiếp tục chuyển sang “linh hoạt, nới lỏng hơn” (từ tháng 6/2023).

Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết đáng kể những “gọng kìm” đang “kẹp chặt” thị trường và doanh nghiệp. Cùng đó, Luật Đất đai dự kiến cũng sẽ sớm thông qua trong kỳ họp gần nhất để đồng bộ hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.

Sau những động thái tích cực của Chính phủ, thị trường đã xuất hiện những điểm sáng vào cuối năm 2023. Theo báo cáo quý III của Bộ Xây dựng, thanh khoản thị trường đã gia tăng trở lại, không còn trầm lắng như giai đoạn trước. Còn theo dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), sang đến quý III/2023, thị trường BĐS đã có nhiều khởi sắc hơn khi thanh khoản đạt mức 6.000 giao dịch, tăng gấp 1,5 lần quý II và gấp 2 lần quý I. Đáng chú ý tâm lý e dè của người mua, nhà đầu tư đã phần nào được gỡ bỏ.

Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo BĐS đánh giá, nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã góp phần "phá băng" thị trường địa ốc. Đặc biệt, những quy định mới trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS trở thành bước đệm để thị trường trở nên minh bạch, dần phục hồi. Trong thời gian tới, cùng với việc Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, BĐS sẽ có nền tảng chắc chắn để phát triển theo quỹ đạo bình ổn.

2024 – Phục hồi trở lại

Nhận định về thị trường BĐS năm 2024, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng thị trường BĐS Việt Nam đã vượt qua giai đoạn “bĩ cực” nhất, đang và sẽ ghi nhận những động thái tích cực nhiều hơn tiêu cực cả về tổng cung và tổng cầu, cả đầu vào và đầu ra.

Theo đó, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ sôi động hơn nhờ gia tăng hoạt động của khu vực FDI và triển khai các dự án hạ tầng trên cả nước. Phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội khả năng cũng sẽ chuyển biến tích cực và ghi nhận nguồn cung mới tăng do các chủ đầu tư nhận thức được việc tự điều hướng cơ cấu sản phẩm để phát triển phù hợp với dòng chảy của thị trường. Tuy nhiên, với phân khúc nhà ở thương mại cao cấp, khả năng sẽ hồi sức chậm hơn do nhu cầu thực chưa thể đột biến. Dự kiến năm 2024 sẽ không có nhiều chủ đầu tư dám phát triển dòng sản phẩm này.

Với phân khúc đất nền, do quy định mới về siết chặt hoạt động phân lô bán nền tại Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) và thanh khoản xuống thấp suốt năm 2023 nên phân khúc này cũng cần nhiều thời gian hơn trong việc hồi phục. Dự báo khoảng cuối năm 2024, đất nền mới có thể đảo chiều. Các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính chưa nên tham gia phân khúc đất nền ở thời điểm hiện tại cũng như giai đoạn đầu năm 2024. Còn đối với những nhà đầu tư lớn, có dòng tiền khỏe thì thời gian gần đây họ đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội.

Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trong ngắn hạn tiếp tục chững lại và cần có thời gian để hấp thụ hết những nguồn cung đã tung ra thị trường thời điểm trước đây. Nguồn cung hiện hữu khá dồi dào sẽ ảnh hưởng đến lợi suất cho thuê của người mua nên họ cẩn trọng hơn.

Các chuyên gia nhận định, khi thị trường khởi sắc, giá BĐS sẽ bắt đầu chu kỳ đi lên và năm 2024 được kỳ vọng là năm thị trường sẽ phát triển trở lại. Bức tranh toàn cảnh thị trường chắc chắn sẽ có thêm nhiều điểm sáng mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Năm 2024, đã là thời điểm thuận lợi để đầu tư bất động sản?

    Năm 2024, đã là thời điểm thuận lợi để đầu tư bất động sản?

    05:00, 31/12/2023

  • Công nghệ ảnh hưởng đến bất động sản trong kỷ nguyên số

    Công nghệ ảnh hưởng đến bất động sản trong kỷ nguyên số

    04:00, 31/12/2023

  • Gia tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp

    Gia tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp

    03:00, 31/12/2023

  • Ngân hàng

    Ngân hàng "mở hầu bao" cho bất động sản: Doanh nghiệp không dễ tiếp cận

    11:30, 30/12/2023

  • Tập đoàn Hoa Sen trở lại với bất động sản

    Tập đoàn Hoa Sen trở lại với bất động sản

    04:00, 30/12/2023

HUYỀN TRANG