CTCP Tập đoàn Hoa Sen vừa thông qua việc góp vốn với tỷ lệ 40% vào CTCP Hoa Sen Sài Gòn, mong muốn tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án nhà ở, thương mại.
>>Triển vọng đầu tư thị trường bất động sản Việt Nam 2024
Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) vừa thông qua chủ trương HĐQT về việc góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn. Theo đó, Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại số 22 - 24 Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị Sala (TP Thủ Đức, TP. HCM). Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực - Điều hành của Tập đoàn Hoa Sen sẽ là người đại diện phần vốn góp.
Theo thông tin công bố, doanh nghiệp này được thành lập với mục đích sẽ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp. Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024.
Nghị quyết nêu rõ: “Sau khi góp vốn thành lập công ty mới, nếu tình hình diễn biến thị trường thay đổi hoặc tập đoàn có nhu cầu thu hồi vốn đầu tư thì Hoa Sen sẽ chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho các cổ đông hiện hữu của Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn, với giá trị chuyển nhượng bằng giá trị ban đầu cộng với khoản lãi tính theo lãi suất bình quân liên ngân hàng tại thời điểm chuyển nhượng”.
Tuy nhiên, trước đó, Tập đoàn Hoa Sen bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc đầu tư vào dự án khu dân cư Điền Phúc Thành ở Quận 9 (TP.HCM), dự án đầu tiên Hoa Sen đầu tư có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng là một chung cư 18 tầng.
Tiếp sau đó 2 năm, Hoa Sen tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án căn hộ khác tại Quận 9 là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside.
Song, do thời điểm Tập đoàn Hoa Sen đầu tư vào bất động sản lại rơi đúng giai đoạn thị trường bất động sản TP.HCM khủng hoảng, trầm lắng khiến “ông vua thép” đã tính chuyện rút lui.
Năm 2016, Tập đoàn Hoa Sen của ông lại quay trở lại lĩnh vực này bằng hàng loạt dự án lớn ở Yên Bái và Bình Định. Tháng 5/2016, Tập đoàn Hoa Sen đã thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn.
Cũng trong tháng 5/2016, Tập đoàn Hoa Sen đã tiến hành khởi công dự án Khu Trung tâm thương mại, Dịch vụ, Khách sạn, Nhà hàng và Tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Đầu năm nay, Hoa Sen cũng thông qua kế hoạch góp thêm 81 tỉ đồng vào CTCP Hoa Sen Yên Bái để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án, chuẩn bị tái khởi động dự án Khu Trung tâm Thương mại, Dịch vụ, Khách sạn, Nhà hàng và Tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái.
>>Những "trợ lực" từ Luật mới giúp phân khúc bất động sản nào hồi phục nhanh nhất?
Thực tế là trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, không ít các chủ đầu tư trong ngành đang gồng mình, chật vật xoay sở nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết các khó khăn đè nén. Trái lại, các doanh nghiệp ngoài ngành trong thời gian này lại bất ngờ tham gia vào thị trường bất động sản.
Cuối tháng 11, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã ra Nghị Quyết HĐQT phê duyệt dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Cà Mau. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 633 tỷ đồng, diện tích 17.67 ha.
Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đầu tư nhằm khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dự án nhà ở xã hội theo quy hoạch được phê duyệt, tạo thêm quỹ nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo quy định pháp luật.
Trước đó, hồi tháng 6, CTCP Ống thép Việt - Đức VG Pipe (Thép Việt Đức; mã chứng khoán: VGS) đã công bố báo cáo liên quan đến dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Theo các chuyên gia, dù hiện nay thị trường bất động sản đang diễn biến trầm lắng, còn nhiều khó khăn song bất động sản vẫn được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng, nhất là với các nước có tốc độ đô thị hóa cao như Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm