Kỳ vọng các Dự án Luật năm 2024 - Nhiệm vụ khơi thông nguồn lực đất đai
Dù chưa được Quốc hội khóa XV bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua theo dự kiến, thế nhưng, những vấn đề được Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất đã và đang đem đến nhiều kỳ vọng…
>> Sửa Luật Đất đai: Tránh chồng chéo với các luật hiện hành
Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hoá cụ thể Nghị quyết 18-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được giới chuyên môn, học giả và người dân đón nhận với kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý tồn tại nhiều năm của Luật hiện hành gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, cơ hội phát triển của đất nước.
Thực tế cho thấy, Luật Đất đai (sửa đổi) là Dự án Luật đặc biệt quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng lớn, tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội cũng như trực tiếp tới người dân. Đây là cơ sở quan trọng cho phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều chính sách đổi mới. Đổi mới đầu tiên phải kể đến đó là nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện đồng bộ các quy định về việc xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển.
Các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng được hoàn thiện. Qua đó đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất. Phân định rõ trường hợp áp dụng đấu giá, đấu thầu, quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện thực hiện đấu giá, đấu thầu.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người đang có quyền sử dụng.
>> Vụ quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ": Cần khắc phục “khoảng trống” Luật Đất đai
Đặc biệt, Dự theo Luật (sửa đổi) cũng đã hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đồng thời, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi và hoàn thiện cơ chế xác định giá đất. Bỏ khung giá đất, quy định cụ thể nguồn thông tin đầu vào và các phương pháp định giá đất, điều kiện áp dụng đảm bảo theo nguyên tắc thị trường…
Với hàng loạt các đề xuất sửa đổi đã nêu, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng tạo tiền đề để Nhà nước nghiên cứu từng bước nâng cao hiệu quả thực thi Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng đất ở nước ta hiện nay tạo động lực mạnh mẽ, soi đường cho việc khơi thông nguồn lực đất đai.
Nhìn nhận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, đây là đạo Luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều luật khác. Nếu được thông qua sẽ có thể thay đổi căn bản, khơi thông các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý, đảm bảo quan hệ thị trường bình đẳng trong sử dụng đất đai cho các doanh nghiệp; nguồn lực đất đai được đưa vào sử dụng hiệu quả hơn và quan hệ giữa 3 bên doanh nghiệp - Nhà nước - người dân sẽ được giải quyết hài hòa.
Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Luật Đất đai là đạo luật cơ bản liên quan đến cuộc sống của người dân và sự phát triển của kinh tế đất nước. Huy động nguồn lực đất đai cho sự phát triển của đất nước là hướng đi quan trọng, đặc biệt là ở quốc gia có trình độ phát triển trung bình như nước ta, cho nên sửa đổi đồng bộ Luật Đất đai với các luật liên quan trở thành giải pháp quan trọng để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế - xã hội thời gian tới.
Được biết, quá trình sửa đổi, Dự thảo Luật Đất đai đã nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến đóng góp, tính đến nay đã có 8 bản Dự thảo của Luật Đất đai (sửa đổi) được công bố lấy ý kiến nhưng vẫn chưa thể thông qua vì còn vướng mắc nhiều vấn đề. Trong đó, 3 nội dung có ý kiến khác nhau, 3 nội dung đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn, có ý kiến chính thức và thiết kế phương án cụ thể.
Việc sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn đang được các đơn vị có liên quan rà soát và cập nhật về các thay đổi quan trọng để hướng tới hoàn thiện các quy định về việc xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng và giá đất đai đồng bộ ở các cấp, cũng như giúp cho quản lý Nhà nước được hiệu quả hơn, tối ưu hóa các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước và người sử dụng đất trên mọi khía cạnh.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đất đai: Tránh chồng chéo với các luật hiện hành
03:30, 15/11/2023
Vụ quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ": Cần khắc phục “khoảng trống” Luật Đất đai
12:00, 11/11/2023
Sửa Luật Đất đai: Cân nhắc quy định Dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập
03:00, 07/11/2023
Sửa Luật Đất đai: Cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ
03:30, 06/11/2023
Sửa Luật Đất đai: Cần làm rõ các trường hợp về thu hồi đất
03:30, 05/11/2023