Kon Tum: Khó thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp vì nhiều bất cấp hạn chế

MAI CHIẾN 31/12/2023 15:41

Một số cụm công nghiệp ở tỉnh Kon Tum đang lộ nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến khó thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

>>Tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp tại Thanh Hóa

Tỉnh Kon Tum từng kỳ vọng nhiều vào việc phát triển cụm công nghiệp tạo ra bước đột phá về kinh tế nhưng đến nay vẫn chỉ là hy vọng. Cụm công nghiệp ở Đắk La huyện Đắk Hà được giới thiệu là một cụm công nghiệp tập trung, đa ngành. Nhằm thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, tạo việc làm cho lao động địa phương. Các ngành công nghiệp được định hướng phát triển đầu tư như chế biến nông lâm sản, thực phẩm, cơ khí nhỏ và tiểu thủ công nghiệp.  Sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản và các nhóm ngành thích hợp khác. Tổng mức đầu tư khoảng vào khoảng 112 tỷ, với diện tích đất quy hoạch khoảng hơn 73 ha.

Hơn 100 ha đất ở cụm công nghiệp Đắk Tô chưa thể thu hồi gây lãng phí

Hơn 100 ha đất ở khu cụm công nghiệp Đắk Tô chưa thể thu hồi gây lãng phí

Cụm công nghiệp Đăk La (huyện Đăk Hà, Kon Tum) có vị trí khá đẹp và nằm cạnh Quốc lộ 14, con đường giao thông huyết mạch của Tây Nguyên. Từ khi thành lập, cụm công nghiệp Đăk La hứa hẹn sẽ đem lại diện mạo mới về phát triển công nghiệp cho địa phương. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm từ khi có quyết định thành lập, việc thu hút các dự án vào hoạt động vẫn rất khó khăn. Hiện mới chỉ có 7 doanh nghiệp thuê đất, đạt tỷ lệ hơn 40% diện tích.

Khó khăn lớn nhất của cụm công nghiệp Đăk La là phần lớn chưa được giải phóng mặt bằng. Hiện trạng đất chủ yếu đang là cây công nghiệp của người dân. Các nhà máy được xây dựng trong cụm công nghiệp xen kẽ trong rẫy của người dân. Các nhà đầu tư muốn triển khai dự án tại tại cụm công nghiệp Đăk La phải chờ giải phóng mặt bằng.

Theo lãnh đạo huyện Đắk Hà, hiện tại cụm công nghiệp Đắk La còn 25ha chưa giải phóng mặt bằng với số tiền dự kiến bồi thường lên đến 20 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng cần 14 tỷ đồng vốn để phát triển thêm đường nội bộ, điện công lộ, hệ thống cấp nước.

Cụm công nghiệp Đắk La vân còn 25 ha đất của người dân chưa được đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khó thu hút đầu tư

Cụm công nghiệp Đắk La vân còn 25 ha đất của người dân chưa được đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khó thu hút đầu tư

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Hà (đơn vị quản lý cụm công nghiệp Đăk La) cho biết, cụm công nghiệp Đăk La được đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung với số vốn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên do vướng quy định, đơn vị cũng chưa thu được tiền từ doanh nghiệp đấu nối nước thải. Để duy trì hoạt động của nhà máy xử lý nước thải trong cụm công nghiệp, đơn vị hàng tháng phải tự bỏ tiền ra.

>>Ninh Thuận mời gọi các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp

Tại huyện Kon Plông, cụm công nghiệp có một số tuyến đường đã làm nhiều năm, còn toàn bộ đất quy hoạch đang là rừng. Đến nay, Cụm công nghiệp Kon Plông đã được đầu tư được đầu tư đường, điện, nước, rà phá bom mìn với tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng nhưng chưa biết phục vụ cho ai. Vì hiện nay, cụm công nghiệp này không thấy bất cứ cơ sở sản xuất, kinh doanh nào. Đây là một trong dự án đầu tư công ở Kon Tum bị liệt vào gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Trước thực trạng của các cụm công nghiệp không hiệu quả, Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân tỉnh Kon Tum đã đi kiểm tra công tác quy hoạch, đầu tư và hiệu quả hoạt động các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn.

Qua kiểm tra, Đoàn giám sát đã chỉ ra những tồn tại tại, cụ thể gồm cụm công nghiệp Hoà Bình (TP.Kon Tum), cụm công nghiệp Đăk Sút (huyện Đăk Glei), cụm công nghiệp Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy), cụm công nghiệp thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Một góc cụm công nghiệp huyện Kon Plông quy hoạch trên đất rừng

Một góc cụm công nghiệp huyện Kon Plông quy hoạch trên đất rừng

Còn tại khu công nghiệp huyện Đăk Tô hơn 100 héc-ta đất chưa thể thu hút đầu tư, gây lãng phí. Hiện có 6/8 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Các vấn đề trên cũng được UBND tỉnh Kon Tum thừa nhận tại văn bản số 3228/UBND-HTKT tháng 9 năm 2023. Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hữu Tháp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương cùng các sở ngành phối hợp giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại. Đề xuất giải pháp đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải chung của cụm công nghiệp theo quy định. Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả đề án phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, Cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030.

Có thể bạn quan tâm

  • Tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp tại Thanh Hóa

    Tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp tại Thanh Hóa

    10:55, 15/12/2023

  • Ninh Thuận mời gọi các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp

    Ninh Thuận mời gọi các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp

    18:00, 12/12/2023

  • Cụm công nghiệp Bình Minh (Thái Bình) – điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

    Cụm công nghiệp Bình Minh (Thái Bình) – điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

    09:20, 11/12/2023

  • Gỡ khó cho các cụm công nghiệp miền Trung

    Gỡ khó cho các cụm công nghiệp miền Trung

    00:20, 24/10/2023

  • Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ cụm công nghiệp Cẩm Lệ

    Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ cụm công nghiệp Cẩm Lệ

    14:06, 05/10/2023

MAI CHIẾN