Để phát triển kinh tế - xã hội chung và tạo quỹ đất sạch cho cộng đồng doanh nghiệp quy mô nhỏ, các địa phương tại miền Trung đang tích cực gỡ vướng cho các cụm công nghiệp.
>>Doanh nghiệp kiến nghị thành lập cụm công nghiệp của ngành gỗ
Hiện tại, các địa phương có thế mạnh về công nghiệp như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng,... đang chú trọng đến việc di dời các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến, chế tạo,... có quy mô nhỏ ra khỏi các khu dân cư. Việc này yêu cầu phải hình thành nên các cụm công nghiệp (CCN) để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại nhiều CCN đang gặp vướng mắc về hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng, tiện ích,... nên hoạt động thiếu hiệu quả. Chưa kể đến, nơi CCN đã quá thời hạn đưa vào hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được thuê đất, xây dựng nhà xưởng để hoạt động.
Tại tỉnh Khánh Hòa, Sở Công Thương đã gửi văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh về việc tháo gỡ cho một số CCN trên địa bàn như Trảng É, Diên Phú – VCN, Đắc Lộc, CCN vầ chăn nuôi Khatoco Ninh Ích,... Trong đó, Sở Công thương nêu rõ một số nhà đầu tư đã được cấp chứng nhận đầu tư khi thuê đất tại CCN Trảng É, Trảng É 2, CCN Diên Phú – VCN từ 2 lô liền kề trở lên chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng lô mà không được cấp cho toàn bộ đất thuê. Do đó, nhà đầu tư không thể xây dựng công trình trên toàn bộ diện tích khu đất thuê để ứng dụng quy mô, công suất thiết kế cũng như không thể làm thủ tục hoàn công công trình trên đất, đăng ký cấp quyền sở hữu tài sản, công trình sau khi xây dựng xong.
Đối với CCN Trảng É 2, hiện nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư. Đối với CCN và chăn nuôi Khatoco Ninh Ích vướng mắc về thiếu nguồn nước cấp cho hoạt động, còn lại CCN Đắc Lộc vướng mắc giải phóng mặt bằng trong mở rộng dải cây xanh cách ly.
Để tháo gỡ cho các đơn vị, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND huyện Cam Lâm khẩn trương phối hợp với Công ty Bất động sản Khatoco (Tổng Công ty Khánh Việt) khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, phương án cưỡng chế (bảo vệ thi công) theo quy định pháp luật để xử lý,... Về CCN và chăn nuôi Khatoco Ninh Ích, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, UBND thị xã Ninh Hòa kiểm tra, xem xét kiến nghị của Tổng Công ty Khánh Việt về việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp đập dâng Ba Hồ để phục vụ sản xuất, kinh doanh cụm công nghiệp.
Tại văn bản do ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch UBNĐ tỉnh Khánh Hòa ký yêu cầu với cụm công nghiệp Đắc Lộc, TP. Nha Trang khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 777, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để chậm trễ trong việc thực hiện công tác bồi thường làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các hạng mục của dự án trong năm 2023. Đối với cụm công nghiệp Diên Thọ, UBND huyện Diên Khánh kiểm tra, xem xét kiến nghị của Sở Công Thương để chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ dự án,...
Tại Quảng Nam, theo Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn đến năm 2025, có xét đến năm 2035 có 92 CCN với tổng diện tích 2.280,47 ha đến năm 2025, 2.613,14 ha đến năm 2035. Đến nay, Quảng Nam đã có quyết định thành lập 58 CCN với tổng diện tích 1.638,15 ha, trong đó 53 CCN đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.467,90 ha.
Thông tin từ Sở Công Thương Quảng Nam, tiến độ quy hoạch và công tác bồi thường, GPMB còn chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp; hạ tầng kỹ thuật của các CCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ nên việc kêu gọi đầu tư vào các CCN vẫn còn rất hạn chế. Đến nay, chỉ có 04/59 CCN trên địa bàn tỉnh xây dựng Khu xử lý nước thải tập trung; tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả, lý do là các doanh nghiệp thu hút trong CCN là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ảnh hưởng lớn đến môi trường, vì vậy có ít nhà máy sử dụng khu xử lý nước thải tập trung này, đồng thời chi phí để quản lý và vận hành cao nên không đủ ngân sách đảm bảo hoạt động lâu dài.
“Chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng cụm công nghiệp, nên các địa phương còn lúng túng khi khai thác các hạ tầng dùng chung đã thực hiện như: đường giao thông, Khu xử lý nước thải tập trung, ... Thực tế hiện nay tại các CCN có các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không đầu tư hoặc đầu tư sơ sài (mục đích giữ đất), làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất cụm công nghiệp, trong khi nhu cầu thuê đất hiện nay của các dự án thứ cấp càng cao”, Sở Công Thương Quảng Nam nêu báo cáo.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo với vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, các địa phương rà soát các vướng mắc trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định của pháp luật hiện hành để kịp thời hướng dẫn, giải quyết. Trong đó, tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các trường hợp quản lý, sử dụng đất công ích không đúng quy định và tổng hợp, báo cáo đề xuất phương án điều chỉnh quỹ đất công ích trên địa bàn (nếu có) gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, nghiên cứu hướng dẫn thực hiện hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết đối với các trường hợp vướng mắc theo thẩm quyền.
“Về hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các CCN: các địa phương rà soát quy mô CCN, nhu cầu, hiệu quả đầu tư… để cân đối xây dựng kế hoạch đầu tư công hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung phù hợp. Sở Công Thương đánh giá việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp theo quy mô, kinh phí đầu tư, hiệu quả …. phân tích các quy định của pháp luật, thực tế của địa phương để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự đảng xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương để thực hiện đảm bảo chỉ tiêu đã giao. Đối với giao, chủ đầu tư hạ tầng CCN nghiên cứu, đề xuất phân kỳ đầu tư hợp lý đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế làm căn cứ thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật, tập trung hoàn thành công tác bồi thường, GPMB để ưu tiên giao đất một lần”, ông Lê Trí Thanh chỉ đạo.
Với TP. Đà Nẵng, hiện nay đang triển khai 3 dự án CCN, trong đó chỉ có CCN Cẩm Lệ là cơ bản hoàn thiện, sắp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dự án này đang gặp phải vấn đề với các hộ dân xung quanh, khi nền của dự án cao hơn nhà dân, khi trời mưa lượng nước, đá, bùn,... tràn vào nhà dân ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng.
UBND quận Cẩm Lệ - Chủ đầu tư dự án thông tin dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt 250 tỷ đồng, trong đó giá trị hợp đồng xây lắp là 110,685 tỷ đồng. Tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất tại dự án là hơn 29ha. Đến nay, các hạng mục công trình đã thi công cơ bản hoàn thành từ tháng 6/2023 nhưng hiện chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Trong cuộc khảo sát thực tế vừa qua, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu địa phương phải hoàn thành hạng mục kết cấu đường bê-tông nhựa, hệ thống cống thoát nước vĩnh cửu vào tháng 1/2024. Đối với khu vực tiếp giáp giữa CCN Cẩm Lệ với khu dân cư cần nghiên cứu xây dựng phương án đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh cho hoạt động xây dựng nhà máy cũng như hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN này.
“Song song với việc hoàn thiện về xây dựng cơ sở hạ tầng, các sở, ngành cần hoàn thiện các thủ tục tính toán giá đất, phương án cho thuê đất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sớm đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất nhỏ có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong các khu dân cư vào hoạt động tại CCN “, ông Quảng nói.
Có thể bạn quan tâm