Kinh tế

Doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư lĩnh vực nào tại miền Trung?

Tuấn Vỹ 09/07/2025 09:50

Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ thể hiện sự hứng thú và đã xác định được lĩnh vực nghiên cứu đầu tư ở các lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, năng lượng,...

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư - thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Sự hấp dẫn vượt trội từ tiềm năng

Đến nay, quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã không ngừng được củng cố và nâng tầm trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Đây chính là cơ hội để các địa phương ở miền Trung tận dụng để thu hút đầu tư, “hấp thụ” dòng chảy của vốn nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội ngang tầm với hai đầu đất nước.

chinh anh
Đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ trao đổi với lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng về cơ hội hợp tác tại một sự kiện mới đây.

Thời gian qua, nhiều địa phương khu vực miền Trung đã và đang đẩy mạnh thu hút FDI với nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động, nhập khẩu trang thiết bị tạo tài sản cố định dự án,... Điển hình như Đà Nẵng – với vị trí chiến lược, môi trường đầu tư năng động và định hướng phát triển bền vững tại miền Trung từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vừa được trao quyết định triển khai nhiều dự án động lực như Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính,... đã thu hút thêm nhiều sự quan tâm từ doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Với các dự án động lực này, doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ ấn tượng, quan tâm và sẵn sàng đầu tư, mở rộng đầu tư tại khu vực trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, AI, thương mại điện tử, phát triển bền vững,… Đây sẽ là các dự án tạo động lực cho cả vùng, cân bằng sự phát triển giữa các miền với nhau.

Theo ông Marc E. Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ các mô hình kinh doanh phát triển mới không chỉ phát triển ở Việt Nam mà qua đây cũng sẽ sự tăng cường hợp tác giữa đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ ở nhiều cấp từ quốc gia đến địa phương. Đặc biệt, vị này cũng đánh giá rằng hiện tại là thời điểm nâng tầm quan hệ hai bên càng bền chặt hơn nữa, đặc biệt là các hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, điện toán đám mây, vi mạch bán dẫn.

“Hiện đang có rất nhiều tập đoàn Hoa Kỳ đang hướng tới đầu tư vào Việt Nam, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững giữa hai bên. Đặc biêt, những sự lãnh đạo, hỗ trợ của lãnh đạo miền Trung đã và đang giúp cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang chuyển đổi từ du lịch dịch vụ sang công nghiệp công nghệ cao , đây cũng là lĩnh vực doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm. Trên quan hệ hợp tác của Hoa Kỳ , đây sẽ là trung tâm khoa học công nghệ trong tương lai”, ông Marc E. Knapper kỳ vọng.

Phía doanh nghiệp, ông Richard Mclellan – Nhà sáng lập & Giám đốc Điều hành RMAC Advisory cho hay thời điểm hiện nay Việt Nam đang có nhiều thuận lợi mới, thành công mới trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Đặc biệt, những chỉ thị, nghị quyết mới đều hướng đến mục tiêu đảm bảo Việt Nam sẽ có tương lai rực rỡ hơn khi sự tiếp cận, nhìn nhận của Chính phủ trong khu vực kinh tế tư nhân, kết nối nhiều trung tâm bán dẫn trên thế giới,...

“Việt Nam là một trong các quốc gia có nhiều cơ hội, dự án lớn về giao thông, logistics, năng lượng,... đây là khung tổng thể, tạo động lực để thu hút đầu tư và cũng là cơ hội cho Đà Nẵng thu hút nguồn lực đến đầu tư, phát triển và đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Với trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM, Đà Nẵng vừa là cơ hội rộng lớn để các đối tác Hoa Kỳ tham gia, tác động vào cơ hội phát triển trung tâm tài chính”, vị này nói.

Với Đà Nẵng, ông Richard Mclellan cho rằng đây là sẽ là trung tâm kết nối, hội tụ các mô hình phát triển kinh tế mới. Vì vậy, địa phương cũng cần chú ý thúc đẩy các dự án năng lượng, tài chính, đổi mới sáng tạo,... cùng với Khu thương mại tự do, cảng biển. Vị này cũng cho hay trong tương lai RMAC Advisory có thể ưu tiên đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại khu vực.

Lĩnh vực nào cần ưu tiên?

Ở góc độ địa phương, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng đang mở rộng kết nối thị trường trong nước và ngoài nước; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của thành phố, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế,...

d17222e175b7dde984a6.jpg
Doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm và sẵn sàng đầu tư, mở rộng đầu tư tại khu vực trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, AI, thương mại điện tử, phát triển bền vững,…

“Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có năng lực tài chính, công nghệ đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh và cơ hội hợp tác ở các lĩnh vự công nghệ thông tin, sản xuất công nghệ cao, tự động hóa, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hỗ trợ, y tế, giáo dục, bất động sản du lịch…”, ông Hồ Kỳ Minh nói.

Theo đánh giá của ông Matthew McGarvey – Đồng sáng lập Xylem Capital, hiện nay Đà Nẵng hiện nay đang chuyển đổi từ mô hình sản xuất đơn giản sang tái cấu trúc, tái sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, vị này cũng đề cập đến thách thức của ngành này là chuyển đổi năng lượng hydro carbon, từ đây doanh nghiệp có thể đối mặt với bẫy thu nhập.

“Không chỉ là môi trường mà còn là kinh tế, sẽ rất là khó cho các doanh nghiệp để đảm bảo nguồn năng lượng bền vững, đặc biệt là các doanh nghiệp năng lượng có quy mô nhỏ. Với khu vực miền Trung, các địa phương cần nghiên cứu nhiều hơn về các dự án năng lượng, trong đó cần tính toán đến phương án về vốn trước tiên, làm thế nào để đủ kinh phí lắp đặt dự án, xem xét kê gọi đầu tư các dự án năng lượng điện gió bãi biển, điện hóa lỏng LNG”, ông Matthew McGarvey đề xuất.

Với Khu thương mại tự do và trung tâm tài chính quốc tế, các doanh nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị cần áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro trong tài chính để đáp ứng được nhu cầu về tài chính cho các lĩnh vực năng lượng, AI, vi mạch bán dẫn,... Nhiều doanh nghiệp khẳng định rằng năng lực ở đơn vị rất tốt, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về khung thể chế, chính sách.

“Ở miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng có nhiều tiềm năng cũng như cơ hội để doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể khai thác từ các lĩnh vực AI, chíp bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực”, ông Matthew McGarvey nói thêm.

Trong khi đó, Giám đốc Boeing Việt Nam Michael Vũ Nguyễn cho rằng hàng không là thị trường tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo số liệu, nhu cầu về máy bay tại khu vực Đông Nam Á chiếm 5% trong tổng thị trường máy bay toàn cầu, trong 20 năm tới con số này sẽ tăng lên 10% (tương đương 4.000 máy bay).

“Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển lĩnh vực này, Boeing cam kết sẽ tạo chuỗi cung ứng cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng khi tham gia vào lĩnh vực công nghệ cao này. Để nắm bắt cơ hội, Đà Nẵng cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực hàng không cũng như AI,... khi nguồn nhân lực đủ tốt, đủ năng lực thì có thể làm việc tại hầu hết các quốc gia trong khu vực, chứ không chỉ ở Đà Nẵng hay Việt Nam”, vị này khẳng định.

Là một doanh nghiệp đang hoạt động tại Đà Nẵng, ông Lê Quang Đạm – Tổng Giám đốc Marvell Technology Việt Nam thể hiện sự tin tưởng vào tương lai phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới ở lĩnh vực bán dẫn, AI. Với Marvell Technology Việt Nam, ông Đạm cho hay doanh nghiệp đã đặt mục tiêu sẽ có 50.000 kỹ sư công nghệ thông tin chất lượng cao.

“Thời gian qua, sinh viên Việt Nam rất giỏi về khoa học công nghệ nhưng lại bỏ sót vi mạch bán dẫn, vì vậy cần có thêm các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Marvell sẽ thiết lập quan hệ đối tác với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực, song song là hỗ trợ tài chính để các sinh viên gặp khó khăn để người có tiềm năng tiếp tục phát triển. Với các sinh viên chưa học ngành bán dẫn thì cần có chương trình đào tạo riêng biệt, chất lượng cao để phát triển nguồn nhân lực”, ông Lê Quang Đạm chia sẻ về kế hoạch của doanh nghiệp.

Khuyến nghị thêm cho Đà Nẵng và các địa phương miền Trung, bà Ly Nguyễn – Quản lý Viện Tony Blair vì Sự Thay đổi Toàn cầu cho rằng các địa phương cần thể hiện rõ sự cam kết và ý chí của chính quyền trong phát triển công nghệ cao. Từ đây sẽ tạo ra động lực phát triển cho địa phương trong tương lai gần.

“Cùng với Khu thương mại tự do, Đà Nẵng cần chú trọng thêm về lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng bền vững để hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ, tương tự như các dự án đã triển khai ở Quảng Bình. Các địa phương miền Trung hiện nay vẫn còn nhiều dư địa để phát triển lĩnh vực này”, bà Ly Nguyễn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư lĩnh vực nào tại miền Trung?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO