Nghệ An tạo “khẩu vị” mới cho du lịch vùng cao

HỒNG QUANG 02/01/2024 02:00

Trong những hình ảnh mang đậm hơi thở nền văn hóa truyền thống độc đáo đồng bào thiểu số nơi núi rừng Tây Bắc xứ Nghệ, không thể không nhắc tới các phiên chợ vùng cao mỗi tháng được tổ chức một lần…

Chợ phiên vùng cao là nơi hội tụ nét văn hóa, ẩm thực, những sản phẩm đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây còn là nơi giao lưu, buôn bán hàng hóa, giúp bà con nhân dân địa phương cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao thu nhập

Chợ phiên vùng cao là nơi hội tụ nét văn hóa, ẩm thực, những sản phẩm đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây còn là nơi giao lưu, buôn bán hàng hóa, giúp bà con nhân dân địa phương cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao thu nhập

Bên cạnh việc giao lưu, buôn bán hàng hóa nhằm kích cầu kinh tế địa phương, chợ phiên còn là nơi để các du khách khắp mọi miền của Tổ quốc đến thăm quan và trải nghiệm; qua đó, tạo ra hướng đi mới, đầy triển vọng cho Nghệ An trong chiến lược đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng ở những năm tiếp theo.

“Trẩy hội” nơi miền sơn cước

Xã biên giới Tri Lễ nằm cách trung tâm huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An hơn 30 km, có chiều dài đường biên giới 17km, tiếp giáp với 2 cụm bản Phà Đánh và Phăn Thoong của nước CHDCND Lào; với 4 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú làm ăn và sinh sống.

Toàn xã có gần 11.000 nhân khẩu với trên 2.038 hộ dân; trong đó, có khoảng 4.000 người thuộc đồng bào dân tộc Mông. Những năm trở lại đây, cuộc sống bà con nơi đây đã được đổi thay, ổn định và phát triển hơn trước; nhiều bản làng đã hòa nhập vào chung sống ở các khu vực dân cư thuận lợi, còn 5 bản hiện chạy dọc theo tuyến biên giới với nước bạn Lào, giáp ranh với các huyện lân cận.

>>Nhiều địa phương miền Trung tổ chức đón đoàn khách du lịch “xông đất”

Chính vì vậy, việc tổ chức phiên chợ người Mông sẽ tạo nên dấu ấn đậm nét trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng cho huyện Quế Phong nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.

Mới đây, vào ngày đầu tiên của năm mới 2024, dẫn chúng tôi lên phiên chợ người Mông ở xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, anh Lang Đình Tiệp – một người con nơi núi rừng Tây Bắc xứ Nghệ đã rất vui mừng và đầy tự hào khi giới thiệu rằng: Việc tổ chức chợ phiên không chỉ giúp bà con nhân dân vùng cao gặp gỡ, giao lưu buôn bán hàng hóa để nâng cao thu nhập mà còn là nơi hội tụ của nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan và trải nghiệm; qua đó, góp phần không nhỏ đưa du lịch cộng đồng trở thành hướng đi mới trong công cuộc phát triển kinh tế của địa phương.

Ngày nay, du lịch cộng đồng thông qua các phiên chợ vùng cao được du khách thập phương hết sức ưa chuộng. (Trong ảnh: Một du khách nhí ở TP Vinh đến tham quan và trải nghiệm nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Mông)

Ngày nay, du lịch cộng đồng thông qua các phiên chợ vùng cao được du khách thập phương hết sức ưa chuộng. (Trong ảnh: Một du khách nhí ở TP Vinh cùng gia đình đến tham quan và trải nghiệm nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Mông)

Theo ghi nhận thực tế của PV, với tiết trời se lạnh nơi núi rừng Tây Bắc xứ Nghệ, chợ phiên vùng cao Tri Lễ được tổ chức trong không khí thắm đượm nền văn hóa bản địa, ngập tràn những sản vật đặc trưng từ những nông sản như ngô, thóc, mộc nhĩ, đậu tương, ớt, mặc khẻn… được những người dân tự tay trồng nên, đến những mớ rau rừng xanh mướt.

Kế bên đó là những khu bán đồ thổ cẩm của người Mông tự dệt đầy sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng… cùng những mặt hàng thủ công mũ nón, nhẫn, vòng tay, khuyên tai,… có thiết kế vô cùng độc đáo và lạ mắt. Ngoài ra, những mặt hàng vật dụng dùng để sản xuất nông nghiệp cũng là nơi những người đàn ông tìm đến để chọn lựa; trong khi đó, nơi bán đồ dùng gia đình, váy áo lại là địa chỉ dành cho phụ nữ, trẻ em quan tâm, tìm đến.

>>Quảng Nam: Kể câu chuyện du lịch qua ẩm thực

Trao đổi với PV, anh Thò Bá Lương (52 tuổi, trú ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) chia sẻ: Đồng bào dân tộc người Mông sinh sống trên địa bàn huyện Quế Phong hết sức vui mừng, phấn khởi khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức phiên chợ cho bà con nhân dân. Bởi, phiên chợ đã giúp bà con nơi đây thuận tiện hơn trong việc mua bán các sản phẩm thủ công, chăn nuôi của gia đình mình, để từ đó mang lại nguồn kinh tế ổn định, lâu dài.

Còn ông Lữ Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ thì phấn khởi cho biết: Phiên chợ vùng cao tại xã chúng tôi sẽ được tổ chức mỗi tháng một phiên vào ngày mùng 1 đầu tháng. Hứa hẹn phiên chợ sẽ là những đặc sản đậm đà văn hóa người Mông bản địa, sẽ là phiên chợ vùng cao mang dấu ấn, hơi thở của người Mông, của các dân tộc cùng sinh sống, của núi rừng nơi đây.

“Với những nét độc đáo, đặc sắc mà rất đỗi bình dị, thân thương, chợ phiên vùng cao Tri Lễ hy vọng sẽ trở thành nét văn hóa đẹp trong đời sống người dân nơi đây cũng như ngày càng thu hút du khách tới trải nghiệm” – ông Cương bày tỏ.

Triển vọng mới cho du lịch Nghệ An

Nghệ An là địa phương có đường biên giới dài hơn 468km, nằm tiếp giáp với nước bạn Lào, do vậy, nơi đây hội tụ nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ mú, Thổ… Nắm giữ lợi thế trên, trong những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; đồng thời phác họa rõ nét bức tranh phát triển hệ sinh thái du lịch cộng đồng của Nghệ An trong giai đoạn tới.

Và một trong những điểm nhấn chính để thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm quan và trải nghiệm, đó là khôi phục lại mô hình chợ phiên ở các huyện vùng cao, nơi núi rừng Tây Bắc xứ Nghệ. Bởi lẽ, theo góc nhìn của các nhà nghiên cứu khoa học cũng như đại đa số người dân, mỗi khi nhắc đến chợ phiên lại nghĩ ngay đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền biên viễn, vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc và coi đây là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng không thể thiếu của họ.

>>Du lịch miền Trung rộn ràng trước thời khắc năm mới

Theo đó, qua tìm hiểu được biết, hiện nay, một số phiên chợ đã được tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện, điển hình như: Chợ phiên Mường Quạ, Mường Nhon ở huyện Con Cuông; Chợ phiên Tam Thái, huyện Tương Dương; Chợ phiên Tri Lễ, huyện Quế Phong hay như mới đây nhất là Chợ phiên Châu Hoàn ở trên địa bàn huyện Quỳ Châu…

Các phiên chợ vùng cao được bố trí nhiều gian hàng, không gian mở rộng, với đầy đủ các sản vật địa phương do bà con tự tay làm ra. Nhờ đó, du khách thập phương sẽ được thưởng thức ẩm thực người dân bản địa, là rượu ngô, thắng cố, những món thịt nướng ngon lành…

Phiên chợ vùng cao không chỉ là nơi bày bán của đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn là nơi để người dân nước bạn Lào giới thiệu, trưng bày những bộ trang phục đẹp mắt mang đậm dấu ấn đặc trưng của dân tộc

Phiên chợ vùng cao không chỉ là nơi bày bán của đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn là nơi để người dân nước bạn Lào giới thiệu, trưng bày những bộ trang phục đẹp mắt mang đậm dấu ấn đặc trưng của dân tộc

Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức nét văn hóa phi vật thể được lưu giữ từ ngàn đời của đồng bào người Thái, Mông, Khơ mú, Thổ qua các món ăn, trang phục, trang sức cùng trò chơi dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ như: Khắp, lăm, nhuôn và các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống sáo, phí, công chiêng, khèn bè, nhảy sạp, khắc luống…

Đơn cử như mới đây nhất, ngày 30/12/2023, lần đầu tiên tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu đã diễn ra phiên chợ vùng cao của đồng bào dân tộc Thái; với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu sự phát triển kinh tế địa phương, đồng thời lưu giữ nét văn hóa đặc sắc lâu đời của bà con dân tộc Thái, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng nơi núi rừng xứ Nghệ.

Phiên chợ đã trưng bày và bán các mặt hàng rau củ quả các loại; gia cầm do người dân tự nuôi trồng; đặc sản của địa phương như: Cá, măng chua, gà, hò mọc cùng những trang phục truyền thống của đồng bào Thái (váy, áo, khăn piêu) và các loại nhạc cụ khèn, pí… Ngoài ra, còn có các sản phẩm nông cụ, thủ công mỹ nghệ của người dân tự đan lát như: Mâm mây, ghế mây, rổ, rá, thúng gạo…

Thông qua phiên chợ này, chính quyền địa phương mong muốn giới thiệu, quảng bá các nét đẹp văn hóa truyền thống, các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương đến với đông đảo du khách thập phương; đồng thời, thắt chặt tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa các dân tộc trên địa bàn.

Có thể thấy, việc mở các phiên chợ vùng cao đang là hướng đi mới, đầy đúng đắn của tỉnh Nghệ An trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của địa phương giai đoạn tới. Bởi, đây không chỉ góp phần bảo tồn, lưu giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn khai thác, phát huy tối đa các thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị văn hóa của địa phương để phục vụ khách du lịch thập phương. Qua đó, tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng sâu, vùng xa nơi “phên dậu” của Tổ quốc… 

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An chuẩn bị hơn 10.000 tỷ đồng bình ổn thị trường hàng hoá dịp Tết

    Nghệ An chuẩn bị hơn 10.000 tỷ đồng bình ổn thị trường hàng hoá dịp Tết

    08:39, 29/12/2023

  • Đuối sức, hàng loạt doanh nghiệp ở Nghệ An rời bỏ “cuộc chơi”

    Đuối sức, hàng loạt doanh nghiệp ở Nghệ An rời bỏ “cuộc chơi”

    16:11, 29/12/2023

  • Nghệ An tiếp tục “hối thúc” cải cách hành chính nhà nước

    Nghệ An tiếp tục “hối thúc” cải cách hành chính nhà nước

    01:05, 29/12/2023

  • Thấy gì từ hoạt động xuất khẩu của Nghệ An vượt mức kỳ vọng?

    Thấy gì từ hoạt động xuất khẩu của Nghệ An vượt mức kỳ vọng?

    14:25, 27/12/2023

HỒNG QUANG