"Mịt mù" tương lai bất động sản Trung Quốc
Theo dữ liệu mới phân tích, Trung Quốc cần đến 10 năm để xử lý hết số lượng bất động sản tồn kho. Do vậy, triển vọng phục hồi lĩnh vực này rất u ám.
>>>Vỡ nợ bất động sản Trung Quốc và dư chấn ở châu Âu
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang “ôm” lượng hàng tồn kho kỷ lục, do đó phải mất khoảng 2 năm để giải quyết hết hàng triệu căn nhà thành phẩm. Và với 6 triệu m2 đang xây dựng khắp cả nước, cần tới 1 thập kỷ để bán hết.
Tăng trưởng doanh số bán nhà và giá nhà vẫn chậm chạp do các nhà phát triển bất động sản sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ kể từ năm 2020. Khi chính phủ Trung Quốc tiến hành tái cơ cấu lĩnh vực chiếm khoảng 1/3 GDP, rất nhiều “đại gia” sụp đổ, điển hình như Evergrande, Country Garden.
Trong những lần suy thoái trước đây, bất động sản thường phản ứng nhanh chóng với các biện pháp kích thích và phục hồi sau hai hoặc ba quý tìm thấy đáy. Nhưng lần này, bất động sản từ “con đẻ” biến thành “con ghẻ”.
Thị trường bất động sản Trung Quốc đã đạt đỉnh và chu kỳ dài đang đi xuống. Bởi thị trường chưa sẵn sàng cho một đợt điều chỉnh dài hạn - theo kinh nghiệm trong quá khứ, lĩnh vực này đã quen với việc phục hồi nhanh chóng hơn - nên nhà đầu tư đã mất cảnh giác.
Bất chấp nhiều biện pháp hỗ trợ, cuộc khủng hoảng tài sản kéo dài đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và đè nặng lên nền kinh tế nói chung.
Vào tháng 12/2023, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết tại Hội nghị hoạch định kinh tế, sẽ giảm bớt rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nợ địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ, đồng thời báo hiệu chiến lược xây dựng nhà ở giá rẻ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, việc tập trung vào phát triển chất lượng cao là điều then chốt; đồng thời vạch ra kế hoạch 9 điểm bao gồm đổi mới công nghệ trong hệ thống công nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, mở rộng đầu tư nước ngoài và cách tân nông nghiệp để củng cố an ninh lương thực.
>>>Evergrande “vỡ nợ” và bài học cho Việt Nam
Cơn khủng hoảng bất động sản Trung Quốc vẫn chưa đạt đến điểm tận cùng. Khắp Trung Quốc có tới 20 triệu căn nhà đã bán trước nhưng chưa hoàn thiện - không khác gì “quả bom” nổ chậm với người mua và nhà băng. Khi ngân hàng TW siết thanh khoản, hàng loạt dự án bị đình trệ, dẫn tới thiếu vốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp không vượt qua bài kiểm tra “3 lằn ranh đỏ” cũng bị thanh lọc khỏi thị trường.
Tính đến tháng 11/2023, chỉ 50 doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc đủ điều kiện giải cứu, tiếp nhận 446 tỷ USD. Trong khi đó, quốc gia này cần tới 3.200 tỷ Nhân dân tệ để hoàn thành nhiều dự án dang dở. Năm 2024 được dự báo sẽ còn nhiều “đại gia” bất động sản Trung Quốc mất khả năng thanh khoản.
Không chỉ riêng Trung Quốc, suy thoái bất động sản gần như lan khắp châu Á. Tại Hàn Quốc và Hồng Kông, giá nhà năm 2023 giảm mạnh nhất lần lượt trong 25 năm và 7 năm. Indonesia đối diện với vỡ nợ trái phiếu. Sức ép lãi suất ở Australia đẩy bất động sản vào trầm lắng.
Có thể bạn quan tâm
Rủi ro “bom nợ” từ trái phiếu bất động sản Trung Quốc vẫn kéo dài
05:03, 08/12/2023
Bất động sản Trung Quốc: Những “bài học” hiệu quả cho Việt Nam
05:00, 19/11/2023
Vỡ nợ bất động sản Trung Quốc và dư chấn ở châu Âu
04:30, 31/10/2023
Các công ty bất động sản Trung Quốc đề xuất giảm nợ gốc 70-80%, chủ nợ "méo mặt"
13:44, 15/10/2023