Yêu cầu NHNN tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng

LÊ MỸ 08/01/2024 12:16

Thủ tướng hoan nghênh việc NHNN đã có những cơ chế mới đối với việc điều hành tín dụng năm 2024 và yêu cầu cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng.

>>> Thủ tướng: Ngành ngân hàng cần thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa

Khác với các năm trước đây, năm 2024, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng theo định hướng 15% cho các tổ chức tín dụng. 

Nhiệm vụ và quyết tâm của ngành ngân hàng trong 2024

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của NHNN sáng ngày 8/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh việc NHNN đã có những cơ chế mới đối với việc điều hành tín dụng năm 2024 khi giao ngay hạn mức tín dụng từ 1/1 cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15%; đồng thời lưu ý điều hành tín dụng linh hoạt, kịp thời và phù hợp, theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sa

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) 

Đây cũng là một trong những chỉ đạo với các nhóm nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao NHNN. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách kịp thời. Chú trọng điều hành chính sách tiền tệ hủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô tốt.

Đồng thời yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi.

Tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra; có giải pháp kịp thời, hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

 >>>Phó Thống đốc NHNN: Lãi suất cho vay đã về mức thấp ở mọi kỳ hạn

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt và mở rộng hệ sinh thái số để đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế. Thủ tướng lưu ý cần có chính sách tín dụng phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, mới nổi, trong đó có chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, y tế giáo dục…

Tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hoạt động tiền tệ, ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bắt kịp với xu thế, chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp tiếp theo. Rà soát, đánh giá sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản pháp luật quy định nghiệp vụ còn chưa phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.

Tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Kiện toàn bộ máy và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo tinh thần phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn từ sớm, từ xa, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, "chữa bệnh phải dứt việc, để người bệnh khỏe mạnh mới thôi", xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2024.

Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền tối đa để cấp dưới xử lý kịp thời nhất các diễn biến rất nhanh của hoạt động ngân hàng. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác truyền thông, nhất là hướng dẫn người dân, như cảnh báo lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn…

Đối với các tổ chức tín dụng, hiệp hội ngân hàng, Thủ tướng biểu dương sự trưởng thành, phát triển rất nhanh, một số ngân hàng thương mại được các đối tác quốc tế đánh giá cao, mua lại cổ phần… Thủ tướng mong muốn các ngân hàng tiếp tục nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và NHNN, bảo đảm kinh doanh hiệu quả, an toàn, lành mạnh; chia sẻ hơn nữa với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, cùng phát triển trong hệ sinh thái chung, thúc đẩy hơn nữa niềm tin của người dân và doanh nghiệp; rà soát điều kiện, thủ tục (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống.

Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng người dân đến ngân hàng gửi tiền thì nhân viên ngân hàng lại giới thiệu những kênh đầu tư có lãi suất, lợi nhuận cao hơn nhưng nhiều rủi ro.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định quan điểm của Chính phủ trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể trong nền kinh tế, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.

Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2024 và thời gian tới là rất cao, rất khó khăn, nhưng Thủ tướng tin tưởng rằng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.

5 định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN

Tại Hội nghị, Lãnh đạo NHNN đã báo cáo các định hướng, giải pháp trọng tâm trong điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngành năm 2024.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến đánh giá, đóng góp, đề xuất cho việc triển khai nhiệm vụ năm 2024 của NHNN. Ảnh: Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú báo cáo tại hội nghị. (Nguồn: VGP/Nhật Bắc)

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến đánh giá, đóng góp, đề xuất cho việc triển khai nhiệm vụ năm 2024 của NHNN. Ảnh: Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú báo cáo tại hội nghị. (Nguồn: VGP/Nhật Bắc)

Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng,tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%. Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động TTKDTM, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Xây dựng, trình ban hành/ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết sau khi Luật các TCTD (sửa đổi) được ban hành.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường

    Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường

    12:00, 28/12/2023

  • Phó Thống đốc NHNN: Lãi suất cho vay đã về mức thấp ở mọi kỳ hạn

    Phó Thống đốc NHNN: Lãi suất cho vay đã về mức thấp ở mọi kỳ hạn

    15:28, 03/01/2024

  • Quy định mới về quản lý vàng miếng của NHNN có gì đáng chú ý?

    Quy định mới về quản lý vàng miếng của NHNN có gì đáng chú ý?

    09:49, 05/01/2024

  • NHNN có thể kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất năm 2024

    NHNN có thể kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất năm 2024

    11:10, 25/12/2023

LÊ MỸ