Amazon, Microsoft, Alphabet thi nhau mở trụ sở ở Ả rập Xê út

QUÂN BẢO 09/01/2024 01:30

Nhiều công ty công nghệ lớn, bao gồm Amazon, Alphabet và Microsoft, đều đã nắm đầy đủ giấy phép thành lập trụ sở ở Riyadh, thủ đô Ả Rập Xê Út, vừa khít với deadline 1/1/2024 mà chính phủ Ả Rập đặt ra.

>>Thấy gì đằng sau việc Amazon trả mặt bằng cửa hàng?

Không chỉ ba cái tên này, mà còn nhiều công ty khác cũng ráo riết hoàn thành thủ tục để được cấp phép xây dựng trụ sở ở Ả Rập. Một số công ty vừa nhận được giấy phép là Airbus, Oracle và Pfizer.

Hành động này của các doanh nghiệp là nhằm đối phó với một quy định của Ả Rập Xê Út, trong đó họ quy định sẽ không cấp phép cho những công ty không có trụ sở ở tại lãnh thổ của họ.

Cụ thể, Ả Rập Xê Út thông báo quy định mới về hợp đồng nhà nước vào tháng 2/2021. Họ tuyên bố đây là nỗ lực nhằm hạn chế “rò rỉ kinh tế” - một thuật ngữ chỉ việc chính phủ Ả Rập phải dành ngân sách và làm lợi cho những doanh nghiệp không có sự hiện diện bền vững ở quốc gia của họ. Hạn chế thất thoát hàng tỷ đô mỗi năm cho các doanh nghiệp kiểu này cũng là một trong những điểm quan trọng trong chương trình nghị sự của Thái Tử Mohammed bin Salman.

Trước đó, nhằm thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, Thái Tử đã nới lỏng các hạn chế về phân biệt giới tính, phụ nữ và giải trí công cộng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế khác, chẳng hạn cấm rượu bia. Điều này khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn sống tại quốc gia này.

Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út vẫn là nền kinh tế lớn bậc nhất khu vực. Họ cũng đầu tư hàng nghìn tỷ USD để biến mình trở thành trung tâm du lịch và thương mại hàng đầu. Do đó, nhiều công ty đa quốc gia không thể không cân nhắc cách thức hoạt động của họ tại Ả Rập nói riêng và Trung Đông nói chung.

Theo nhiều nhà phân tích kinh tế và chính trị, quy định của Ả Rập Xê Út là một trong những nỗ lực nhằm cạnh tranh với Dubai. Từ trước đến nay, Dubai vẫn là trung tâm kinh doanh hàng đầu Trung Đông, được các công ty đa quốc gia ưa chuộng vì lối sống cởi mở hơn, mức thuế thấp và khả năng kết nối mạnh mẽ. Hầu hết các công ty toàn cầu đều quản lý các hoạt động ở Trung Đông từ văn phòng ở Dubai và chỉ duy trì các văn phòng nhỏ ở những thành phố của Ả Rập Xê Út.

Trong một tuyên bố bằng email, Microsoft khẳng định Ả Rập Xê Út là một phần trong vùng chiến lược CEMA (Trung & Đông Âu, Trung Á và Châu Phi), và họ sẽ có một trụ sở ở đây, bên cạnh các trụ sở khác.

Trong khi đó, Google tuyên bố họ đang làm việc với các cơ quan chính phủ liên quan để hoàn thiện hồ sơ. Còn Airbus cho biết mô hình hoạt động của họ sẽ tuân theo theo quy định của Ả Rập Xê Út.

Theo luật Ả Rập Xê Út, các doanh nghiệp sẽ được cấp giấy phép trụ sở đặc biệt nếu văn phòng ở Riyadh đáp ứng một số tiêu chí, bao gồm có ít nhất 15 nhân viên và quản lý văn phòng ở 2 quốc gia khác.

Ngược lại, khi doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thì họ cũng được hưởng nhiều ưu đãi từ Riyadh, bao gồm giảm thuế và miễn các quy định khi tuyển dụng người địa phương.

Hồi tháng 12, quốc gia này tuyên bố sẽ miễn thuế 30 năm cho những doanh nghiệp có giấy phép trụ sở khu vực đặc biệt. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng. Chẳng hạn nó sẽ áp dụng cho loại hình doanh nghiệp cụ thể nào, hoặc các cơ quan chính phủ hay những doanh nghiệp có hợp đồng từ các quỹ thịnh vượng của Ả rập Xê út có phải tuân theo hay không.

Trong một tuyên bố hồi tháng 12, Bộ Đầu tư Ả rập Xê út cho biết hơn 200 doanh nghiệp đã nhận giấy phép trụ sở. Một số công ty như Bechtel, PwC và PepsiCo. đều tuyên bố đang xây dựng trụ sở tại quốc gia này.

NHƯ VẬY LÀ

Ả rập Xê út là nước mới nhất mạnh tay với các tập đoàn đa quốc gia về việc nếu hoạt động kinh doanh thì phải đặt chi nhánh tại nước sở tại. Sau nhiều năm, với lợi thế công nghệ, các tập đoàn lớn trụ sở đặt ở một nơi và đi kinh doanh khắp thế giới gây ra nhiều thất thoát về thuế và rủi ro về an ninh thông tin thì đến bây giờ các nước trên thế giới lần lượt siết chặt lại. Luật An ninh mạng của Việt Nam 2018 cũng bắt đầu quy định các công ty kinh doanh dịch vụ mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Năm 2023 vừa qua, các nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, Tiktok, v.v. đã nộp gần 8.100 tỉ đồng tiền thuế.

Có thể bạn quan tâm

  • Amazon lấn sân thương mại mạng xã hội

    Amazon lấn sân thương mại mạng xã hội

    02:30, 16/11/2023

  • Amazon cam kết sẽ tham gia phát triển thương mại điện tử sâu hơn ở Việt Nam

    Amazon cam kết sẽ tham gia phát triển thương mại điện tử sâu hơn ở Việt Nam

    01:00, 28/10/2023

  • Microsoft Việt Nam được vinh danh là doanh nghiệp công nghệ sáng tạo khu vực châu Á

    Microsoft Việt Nam được vinh danh là doanh nghiệp công nghệ sáng tạo khu vực châu Á

    14:53, 28/11/2023

QUÂN BẢO