Nghị quyết số 02/NQ-CP: Động lực thúc đẩy... tăng trưởng

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 10/01/2024 05:00

Trong bối cảnh nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả, gánh nặng chính sách vẫn tiềm ẩn với hàng loạt rủi ro, Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành đem đến nhiều kỳ vọng…

>> Cân nhắc hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP

Theo đó, trước những khó khăn của doanh nghiệp, năm 2023, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, một số chính sách tài khóa, tiền tệ đã hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển, nhiều quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các lĩnh vực y tế, đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch… đã phát huy tác dụng.

Đáng nói, trên các bảng xếp hạng quốc tế, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện.

Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành đem đến nhiều kỳ vọng sẽ “xốc” lại tinh thần cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - Ảnh minh họa

Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành đem đến nhiều kỳ vọng sẽ “xốc” lại tinh thần cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, 3 năm qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có cải thiện tích cực nhất về hiệu quả thị trường trong ASEAN. Năm 2019, Việt Nam còn đứng cuối trong khu vực thì năm 2023 đã vươn lên đứng thứ 5, vượt qua Thái Lan, Philippines, Campuchia.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong năm 2023 vừa qua, tinh thần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh được cho có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm rào cản, khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Không ít ý kiến cho rằng, những bất cập trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm… là hệ quả của những quy định về điều kiện kinh doanh thiếu hợp lý, mang nặng tính xin - cho, tiền kiểm thay vì hậu kiểm đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả, gánh nặng chính sách vẫn tiềm ẩn với hàng loạt rủi ro, Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành đem đến nhiều kỳ vọng sẽ “xốc” lại tinh thần cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

>> Nghị quyết 02/NQ-CP: Cải cách cần sự đồng bộ giữa các bộ ngành

Đây được cho là động lực lớn trong bối cảnh doanh nghiệp

Đây được cho là động lực lớn trong bối cảnh nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả, gánh nặng chính sách vẫn tiềm ẩn với hàng loạt rủi ro - Ảnh minh họa

Theo đó, Nghị quyết xác định quan điểm chỉ đạo là đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Hiến pháp 2013; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo; cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính gây chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng thời hạn và không được đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp; thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật…

Đặc biệt, tại Nghị quyết, Chính phủ cũng đặt ra các nhóm giải pháp trọng tâm gồm: tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững;…

Chính phủ cũng yêu cầu coi trọng và thường xuyên chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hoạt động đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới việc tiếp nhận thông tin, phản ánh của doanh nghiệp và các nhà đầu tư để phòng ngừa các tranh chấp về thương mại và đầu tư.

Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Nhìn nhận về Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết đã cho thấy sự kịp thời và nỗ lực liên tục của Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Các giải pháp Nghị quyết hướng đến đúng những điểm nghẽn cần tháo gỡ của nền kinh tế, đặc biệt, Nghị quyết cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm nay Chính phủ đã ban Nghị quyết chuyên đề số 02 tương tự như Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP trước đây, điều này có thể giúp môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể.

Thực tế cho thấy, cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhiều nhất, đồng thời, đó cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất và ít tốn kém nhất.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng kỳ vọng, nếu các giải pháp Nghị quyết 02/NQ-CP đã đưa ra được thực hiện tốt và liên tục như những năm vừa qua thì đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phát triển theo hướng tích cực trong năm 2024.

Được biết, bên cạnh những chỉ đạo rốt ráo vào cuộc đối với các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

Về Năng lực Đổi mới sáng tạo của WIPO: Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản trong xếp hạng Quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất 2 bậc; Tăng điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng Hiệu quả logistics của Ngân hàng thế giới lên ít nhất 0,2 điểm.

Về Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới: Nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc.

Có thể bạn quan tâm

  • Cân nhắc hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP

    Cân nhắc hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP

    03:30, 28/12/2022

  • Cân nhắc hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP

    Cân nhắc hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP

    16:50, 27/12/2022

  • Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

    Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

    17:14, 14/06/2022

  • Nghị quyết 02/NQ-CP: Cải cách cần sự đồng bộ giữa các bộ ngành

    Nghị quyết 02/NQ-CP: Cải cách cần sự đồng bộ giữa các bộ ngành

    04:00, 04/03/2022

  • Nghị quyết 02/2022:

    Nghị quyết 02/2022: "Lãnh địa" xin-cho của bộ ngành sẽ bị "đụng chạm"

    04:00, 28/01/2022

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN