Còn nhiều vướng mắc trong phát triển cụm công nghiệp Quảng Nam

TUẤN VỸ 10/01/2024 02:36

Hiện nay, hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bản tỉnh Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tiến độ đầu tư, thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư, môi trường chưa được cải thiện,…

>>Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Quảng Nam

Theo kết quả khảo sát Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Nam giai đoạn 2021 – 2025 của HĐND tỉnh Quảng Nam, địa phương đã có quyết định thành lập 59/92 CCN với tổng diện tích 1.678,58 ha và 53 CCN đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.467,90 ha. Hiện tại, địa phương đã thu hút được 377 dự án đăng ký đầu tư vào 51 CCN với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê 722,33 ha.

Trong đó, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án là 15.908 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 67.830 người. Tỉ lệ lấp đầy bình quân của 53 CCN đã đi vào hoạt động đạt 71,22% . Tổng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và Quảng Nam dùng để xây dựng các CCN là hơn 410 tỷ đồng.

Tỷ lệ lấp đầy tại CCN Thanh Hà (TP. Hội An) vẫn chưa cao sau nhiều năm đầu tư.

Tỷ lệ lấp đầy tại CCN Thanh Hà (TP. Hội An) vẫn chưa cao sau nhiều năm đầu tư.

Theo khảo sát, việc đầu tư phát triển hạ tầng CCN trên địa bản tỉnh Quảng Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến việc đầu tư của doanh nghiệp gặp vướng mắc. Cụ thể, tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các CCN còn chậm, công tác thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN còn nhiều khó khăn và vấn đề môi trường CCN chưa được cải thiện,…

Theo đó, phần lớn các CCN chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, các cơ sở hoạt động trong CCN tự xử lý nước thải, nhiều cơ sở xử lý chưa đạt quy chuẩn, xả thải vượt quy chuẩn gây ô nhiễm môi trường. Một vấn đề khác là việc phân bổ kinh phí còn bất cập khi triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam sẽ phân bổ 250 tỷ đồng, mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng, Sở Công Thương đề xuất hỗ trợ là 115 tỷ đồng nhưng thực tế trong năm 2022 và 2023 mới phân bổ 44 tỷ đồng.

Đang hoạt động tại CCN Tây An (H. Duy Xuyên), bà Trần Thị Hiển – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đại Dương Kính cho rằng hạ tầng của cụm công nghiệp vẫn còn khá nhếch nhác, đường giao thông khó khăn để vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó, bà Hiển cũng nói đến hệ thống thu gom xử lý nước thải tại đây vẫn chưa được đầu tư.

“Vì vậy cần có giải pháp đẩy nhanh về hạ tầng của CCN. Ngoài ra, cấp thẩm quyền cũng cần có phương án để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”, bà Hiển nói.

Hạ tầng CCN Tây An (H. Duy Xuyên) đang tiếp tục được nâng cấp.

Hạ tầng CCN Tây An (H. Duy Xuyên) đang tiếp tục được nâng cấp.

Theo báo cáo của Sở Công thương Quảng Nam, còn có một số vướng mắc trong phát triển CCN như chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng  nên các địa phương còn lúng túng khi khai thác các hạ tầng dùng chung đã thực hiện như đường giao thông, Khu xử lý nước thải tập trung,... Ngoài ra, tại các CCN có các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không đầu tư hoặc đầu tư sơ sài (mục đích giữ đất), làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất cụm công nghiệp, trong khi nhu cầu thuê đất hiện nay của các dự án thứ cấp càng cao.

Cùng với đó, thủ tục mở rộng hoặc bổ sung CCN hiện nay đang bị vướng khiến địa phương khó có thể thực hiện việc thu hút đầu tư. Đồng thời, việc chuyển đổi mô hình quản lý từ nhà nước sang doanh nghiệp còn khó khăn trong việc giao doanh nghiệp quản lý phần hạ tầng CCN do ngân sách đã đầu tư, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.

Được biết, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh phương thức đầu tư kết cấu hạ tầng CCN từ chủ yếu sử dụng ngân sách sang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng CCN trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung rà soát đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển CCN, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch những CCN không còn phù hợp, bổ sung quy hoạch mới những CCN theo 7 nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Về giải pháp cụ thể, Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dứt điểm, hoàn chỉnh hạ tầng đối với các CCN có hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, tỷ lệ lấp đầy cao từ 60% trở lên. Qua đó đáp ứng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư.

Còn lại, đối với các CCN chưa được đầu tư hay đầu tư một phần, nên thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng để thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật CCN. Cùng với đó, các CCN chủ đầu tư là nhà nước chưa đầu tư hoặc đang đầu tư dỡ dang thì giao toàn bộ diện tích CCN cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng (chỉ 1 chủ thể để quản lý khai thác hạ tầng dùng chung) nhằm triển khai đầu tư hạ tầng được nhanh và đồng bộ hơn.

Sở Công thương Quảng Nam cũng đề nghị  trường hợp chuyển giao CCN do nhà nước đầu tư xây dựng cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thì  UBND tỉnh quy định cụ thể việc bàn giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN từ cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sang các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng để thuận tiện trong công tác quản lý, đầu tư mở rộng CCN. Trong đó, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể xây dựng mức thu giá các công trình hạ tầng kỹ thuật chung CCN, dịch vụ tiện ích công cộng trong CCN.

Song song, tỉnh Quảng Nam cũng cần có văn bản chỉ đạo về thủ tục mở rộng CCN hoặc bổ sung CCN vào Phương án phát triển CCN để có cơ sở triển khai thực hiện. UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện rà soát những CCN nào không có khả năng đầu tư, những CCN đang đầu tư nhưng phần diện tích đất còn lại không có khả năng thực hiện bồi thường – giải phóng mặt bằng thì đề nghị loại bỏ nhằm đủ các điều kiện bổ sung các CCN mới hiệu quả đầu tư hơn.

“Cân đối nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng các CCN theo mức hỗ trợ tại Quyết định số 3043/QĐ-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh về việc Quy định hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh, ưu tiên hỗ trợ trước các CCN miền núi để triển khai đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án đang có nhu cầu cao hiện nay tại vùng núi. Đề nghị UBND tỉnh đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN từ nguồn ngân sách Trung ương, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, nhằm xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, giảm gánh nặng ngân sách địa phương”, Sở Công thương Quảng Nam đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế biển Quảng Nam “khó” ở đâu?

    Kinh tế biển Quảng Nam “khó” ở đâu?

    01:15, 06/01/2024

  • Quảng Nam đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

    Quảng Nam đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

    14:28, 04/01/2024

  • Quảng Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp

    Quảng Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp

    10:28, 30/12/2023

  • Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

    Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

    16:00, 25/12/2023

TUẤN VỸ