Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Nâng cấp chiến lược thu hút FDI
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, theo chuyên gia, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI...
>> Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Doanh nghiệp cần làm gì?
Theo đó, với 462/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,52%), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Nghị quyết nêu rõ, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao, tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao.
Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương.
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn được dự báo sẽ đem đến ảnh hưởng đáng kể với chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
>>Giữ chân” nhà đầu tư trước áp lực thuế tối thiểu toàn cầu
Thực tế, thống kê, rà soát của Tổng cục Thuế cho thấy, hiện có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, việc áp loại thuế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%.
Thế nhưng, bên cạnh những khó khăn, thách thức được dự báo, không ít ý kiến cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng được coi là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI khi những chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng, và các giải pháp thay thế mới được áp dụng.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ mất đi một phần sức hút nhất định và có nhiều khó khăn trong thời gian ban đầu như làm sao giữ chân nhà đầu tư nước ngoài ở lại, tìm kiếm đối tác mới ra sao...
“Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, ưu đãi thuế để thu hút FDI là cuộc cạnh tranh xuống đáy. Đây chính là cơ hội để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, nhân lực chất lượng cao để thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Quan trọng là nâng tầm doanh nghiệp Việt để bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, chúng ta có thể tham gia vào chuỗi giá trị để gia tăng lợi nhuận. Trình độ nhân lực, công nghệ cũng sẽ tăng lên, qua đó cải thiện sức hút với FDI”, vị Phó Chủ tịch này bày tỏ.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, về mặt dài hạn đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tái cấu trúc chiến lược thu hút FDI. Cần định vị lại thu hút đầu tư.
Theo ThS Nguyễn Trần Minh Trí, cái đích cần nhất là các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho chúng ta thế nào. Dịch chuyển từ mô hình kinh tế truyền thống chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, tạo cơ sở hướng tới những dự án tỉ đô trong tương lai. Trước mắt, để duy trì lợi thế ưu đãi, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ ngoài thuế cho doanh nghiệp FDI...
Hơn nữa, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đang nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ thay thế những ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng khi Việt Nam triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Đối với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam cần nghiên cứu quyền đánh thuế bổ sung nếu thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%
Vị chuyên gia này đề xuất, về nguyên tắc, việc hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được thực hiện sau khi các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thuế suất 15% tại Việt Nam theo cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn.
Cụ thể, Việt Nam có thể dùng các khoản thu thuế này để hỗ trợ lại doanh nghiệp có khoản chi phí như: Chi phí nghiên cứu về phát triển, chi phí đầu tư trang thiết bị, chi phí sản xuất công nghệ cao (như Ấn Độ có chính sách hỗ trợ một khoản tiền nhất định theo mỗi sản phẩm sản xuất bán ra).
Hơn nữa, chính sách hỗ trợ này sẽ áp dụng chung cho các doanh nghiệp và dựa trên đặc điểm, tính chất, tiêu chuẩn của từng loại hình doanh nghiệp. Do vậy, sẽ không vi phạm quy tắc không phân biệt đối xử và phù hợp với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận.
Trước đó, để hạn chế những tác động khi Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu, một số ý kiến cũng cho hay, Việt Nam cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố, như: môi trường đầu tư kinh doanh, lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ... là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế. Trong đó, cần phát huy các thế mạnh môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng được ưu tiên đầu tư phát triển, nguồn nhân lực có chi phí cạnh tranh, quy mô thị trường 100 triệu dân...
Có thể bạn quan tâm
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Doanh nghiệp cần làm gì?
03:00, 19/12/2023
“Giữ chân” nhà đầu tư trước áp lực thuế tối thiểu toàn cầu
02:30, 16/12/2023
Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Thích ứng với “luật chơi” mới
04:10, 02/12/2023
Nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu: Xác định quyền đánh thuế của Việt Nam
20:54, 28/11/2023
Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu
09:43, 10/11/2023