Luật Đất đai mới tạo đột phá về quỹ đất
Luật Đất đai vừa được thông qua có nhiều điểm nhấn tác động thay đổi đến các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, một phần giúp thị trường trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý.
>>Thông qua Luật Đất đai, tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển
Luật Đất đai vừa được thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tạo thuận lợi trong thu hồi đất
Theo đó, Điều 79 Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và tại khoản 32 Điều 79 còn quy định "trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều 79 thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất" đảm bảo được tính công khai, minh bạch, dễ giám sát và khắc phục được tình trạng có một số trường hợp địa phương thu hồi đất tràn lan như đã xảy ra trước đây.
Chương VII Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua đã quy định chặt chẽ về công tác “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi.
Điều 91 đã xác định các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó có nguyên tắc “khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi” và “việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất”.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng đã bỏ “khung giá đất” và quy định “bảng giá đất” được xây dựng hằng năm giúp cho bảng giá đất tiệm cận giá đất thị trường.
Khoản 5 Điều 158 và Điều 160 Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua đã quy định 4 phương pháp định giá đất gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể.
Trong trường hợp cần thiết phải quy định phương pháp định giá đất khác chưa được quy định thì Chính phủ đề xuất và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đảm bảo vận hành thông suốt công tác định giá đất để phát triển kinh tế - xã hội.
>>5 nhóm vấn đề mới được quy định chi tiết trong Luật Đất đai 2023
Đột phá về quỹ đất
Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua đã bổ sung Chương VIII về “phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất” mà Luật Đất đai 2013 không có chương này.
Cụ thể, luật quy định việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách theo quy định (Điều 112).
Nếu thực hiện được nguyên tắc này thì Tổ chức phát triển quỹ đất của Nhà nước sẽ trở thành nhà cung cấp quỹ đất lớn nhất trên thị trường sơ cấp đất đai phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, thông qua việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất thì toàn bộ địa tô chênh lệch sẽ thu vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng, sẽ được sự ủng hộ, đồng thuận của người có đất bị thu hồi và xã hội.
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định trên, Chương IX Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua đã quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 125) đối với đất sạch do Nhà nước tạo lập, hoặc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (Điều 126) đối với đất chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu hoặc thời hạn khác theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu.
Điều 126 đảm bảo được lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất bị thu hồi đất được bồi thường theo đúng giá thị trường, được bố trí tái định cư theo hướng ưu tiên được tái định cư tại chỗ, không còn xảy ra tình trạng nhà đầu tư mua rẻ đất của dân.
Đồng thời bảo đảm được lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư biết rõ chi phí và thời gian thực hiện hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất để thực hiện dự án, không còn xảy ra tình trạng đầu nậu núp bóng sau lưng chủ đất gây khó dễ cho nhà đầu tư.
Và toàn bộ địa tô chênh lệch được thu vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng thì sẽ được sự ủng hộ, đồng thuận của người có đất bị thu hồi và xã hội.
Tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận đất đai
Điều 127 Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua quy định rất thông thoáng việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với hầu hết các dự án phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả dự án nhà ở xã hội, chỉ trừ một số hạn chế đối với dự án nhà ở thương mại do điểm b khoản 1 Điều 127 quy định.
Quy định này sẽ tạo điều kiện sử dụng đất rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh như phát triển các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công viên, khu vui chơi giải trí.
Hơn nữa, Điều 30 cũng quy định người sử dụng đất có quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất, hoặc “trả tiền thuê đất hằng năm” hoặc “trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”.
Điểm b khoản 1 Điều 34 Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua quy định về “quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm", cho phép tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm có quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều này khuyến khích người sử dụng đất lựa chọn phương thức “Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm” do đã có quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng để được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.
Ngoài ra, việc Quốc hội cho phép áp dụng ngay một số quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua như các quy định về định giá đất hoặc các quy định về sử dụng đất để thực hiện dự án lấn biển để tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn, nhất là việc cho phép áp dụng ngay các quy định về định giá đất sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ xây dựng và ban hành “Nghị định quy định về giá đất” thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua, thay vì ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất”.
Có thể bạn quan tâm
Thông qua Luật Đất đai, tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển
03:00, 19/01/2024
5 nhóm vấn đề mới được quy định chi tiết trong Luật Đất đai 2023
15:53, 18/01/2024
6 điểm mới trong Luật Đất đai sửa đổi
15:24, 18/01/2024
Luật Đất đai (sửa đổi): Điểm mới về bảng giá đất, định giá đất
10:50, 18/01/2024
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
08:51, 18/01/2024