Hải Phòng: Cam kết song hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp
TP Hải Phòng cam kết luôn song hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để phát triển.
>>>Hải Phòng: Bàn giải pháp thực hiện mục tiêu Net-Zero vào năm 2050
>>>Quy hoạch Hải Phòng trong nhóm các Thành phố phát triển hàng đầu Châu Á
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tại buổi gặp mặt doanh nghiệp và khách quốc tế tiêu biểu Xuân Giáp Thìn 2024 mới đây.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, năm 2023, TP Hải Phòng tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Mặc dù trong năm qua tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động nhưng các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, cùng với sự tin tưởng ủng hộ của doanh nghiệp, thành phố đã đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với năm 2022.
Cụ thể, năm 2023, GRDP tăng 10,34% so với năm trước, đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 13%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 103.657 tỷ đồng, đạt 99% so với dự toán Trung ương giao (104.689 tỷ đồng), đạt 89% dự toán HĐND thành phố giao. Năm 2023, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố đạt 3,6 tỷ USD, gấp 1,74 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt 81,16% kế hoạch năm 2023 và đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
“Kết quả trên có sự đóng góp to lớn của cộng đồng các doanh nghiệp vào sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của TP Hải Phòng trong thời gian qua”, ông Tùng cho biết thêm.
Hiện nay, toàn TP Hải Phòng có 22.056 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 3.521 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 9,31% so với năm 2022. Một số doanh nghiệp nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam như: Vinfast, Nhựa Tiền Phong, Việt Phát, các công ty LG, Vận tải biển Việt Nam, Cảng Hải Phòng, Hoàng Huy,…
Các doanh nghiệp đã có đóng góp khá lớn cho ngân sách TP, đạt 16.056/43.472 tỷ đồng, chiếm 36,93%, bằng 98,95% so với 2022. Nhiều doanh nghiệp nộp ngân sách trên 500 tỷ đồng như: Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast nộp trên 2.088 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Dragon nộp trên 1.319 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy nộp trên 1.154 tỷ đồng; Công ty TNHH Hưng Ngân Hải Phòng nộp trên 1.128 tỷ đồng;…
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, TP Hải Phòng ghi nhận và trân trọng cảm ơn sự đóng góp to lớn của cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. TP Hải Phòng luôn tin tưởng vào sự đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Với vai trò là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế, TP Hải Phòng tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, góp sức cùng với TP Hải Phòng hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong các năm tiếp theo.
“TP Hải Phòng cam kết luôn song hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để phát triển”, ông Tùng nhấn mạnh.
Được biết, TP Hải Phòng xác định, năm 2024 là năm bứt phá và có ý nghĩa đặc biệt quan trong trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Đồng thời, là năm bản lề để Thành ủy, UBND, UBND TP Hải Phòng hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.
Địa phương này cũng đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khoảng 11,5 -12,0% so với năm 2023. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 106.761,592 tỷ đồng. Sản lượng hàng qua cảng đạt 190 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD; thu hút khách du lịch đạt trên 9,1 triệu lượt khách; thu hút từ 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, năm 2024, trước hết, TP Hải Phòng sẽ tập trung cao độ cho việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng theo hướng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới bên cạnh việc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện; thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam thành phố, trong đó có nội dung thành lập Khu Thương mại tự do thành phố Hải Phòng, phát triển cảng Nam Đồ Sơn và Sân bay Tiên Lãng.
Đồng thời, TP Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ để triển khai Điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
Có thể bạn quan tâm