"Thủ phủ" mới của doanh nghiệp Mỹ

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 26/01/2024 04:00

Rất nhiều doanh nghiệp lớn đang chuyển hướng chuỗi cung ứng sang Ấn Độ và Việt Nam trong chiến lược "Trung Quốc +1"

Quan hệ Mỹ - Ấn Độ đang nồng ấm

Quan hệ Mỹ - Ấn Độ đang nồng ấm

>>Ấn Độ sớm soán “ngôi vương” kinh tế của Trung Quốc?

Công ty nghiên cứu thị trường OnePoll của nước Anh đã công bố kết quả khảo sát với 500 nhà quản lý doanh nghiệp Mỹ, trong đó 61% cho rằng họ sẽ chọn Ấn Độ thay vì Trung Quốc nếu cả hai nước có thể sản xuất cùng một loại nguyên liệu, trong khi đó 56% muốn Ấn Độ đảm nhiệm chuỗi cung ứng của họ trong thời gian tới.

Các thang đo cụ thể được đánh giá như sau: 59% nhà quản lý được hỏi cho rằng việc lấy nguyên liệu từ Trung Quốc là “hơi rủi ro” hoặc “rất rủi ro”, so với 39% của Ấn Độ. Các công ty đang coi thị trường Nam Á là một chiến lược đầu tư dài hạn, chứ không phải là một giải pháp trước mắt để tránh rủi ro.

Cuộc dịch chuyển đã thực sự diễn ra, bị tác động bởi yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Mối quan hệ Trung Quốc và Mỹ ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu, tạo ra môi trường pháp lý không còn an toàn để các công ty tiếp tục đặt niềm tin.

Trong khi đó New Delhi và Washington đang xích lại gần nhau. Mối quan hệ giữa hai nước bước sang một chương mới với chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Modi tới Nhà Trắng vào tháng 6/2023, nơi một loạt thỏa thuận hợp tác lớn trong lĩnh vực quốc phòng, công nghệ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng được ký kết.

Tất cả những doanh nghiệp hàng đầu Mỹ đều đã hoạt động tại Ấn Độ nhiều thập kỷ trước, công việc phổ biến lúc này là mở rộng sản xuất tại Nam Á; đồng thời thu hẹp quy mô dần dần tại Trung Quốc. Đầu tháng này, Maruti Suzuki tuyên bố sẽ đầu tư 4,2 tỷ USD để xây dựng nhà máy thứ hai tại Ấn Độ.

AMD cho biết họ có kế hoạch đầu tư khoảng 400 triệu USD vào Ấn Độ trong 5 năm tới, bao gồm một khuôn viên mới ở Bangalore sẽ là trung tâm thiết kế lớn nhất của công ty. Và Micron đã công bố kế hoạch đầu tư lên tới 825 triệu USD để thành lập một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn ở bang Gujarat.

Nhưng Apple mới là ví dụ về thành công siêu tốc, năm ngoái “táo khuyết” mở cửa hàng Apple BKC đầu tiên tại Mumbai. “Chúng tôi đã đạt kỷ lục doanh thu mọi thời đại ở Ấn Độ. Đây là một thị trường cực kỳ thú vị đối với chúng tôi và là trọng tâm chính của chúng tôi. Chúng tôi mới có thị phần nhỏ trong một thị trường lớn. Và vì vậy có vẻ như còn rất nhiều dự địa đối với chúng tôi”, CEO Tim Cook nói như vậy trong một báo cáo thu nhập cuối năm 2023.

>>Doanh nghiệp Đức "loay hoay" ở Trung Quốc

Quốc gia lớn nhất Nam Á tăng trưởng kinh tế 7,2%

Ấn Độ - quốc gia lớn nhất Nam Á tăng trưởng kinh tế 7,2% năm 2023

Tiếp theo là Việt Nam - trong chiến lược “Trung Quốc + 1”. Sự lạc quan ở thị trường Việt Nam đã khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn 14% vào năm ngoái so với năm 2022. Việt Nam có lợi thế tương tự Ấn Độ, song quy mô hạn chế hơn.

Trong khoảng thời gian làm Thủ tướng từ năm 2013, ông Narendra Modi đã tăng gấp đôi vốn đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ, từ 36 tỷ USD lên tới 70,9 tỷ USD vào năm 2023.

Chính phủ của Thủ tướng Modi đã tận dụng mọi cơ hội để quảng bá cơ hội kinh doanh. Các bang như Maharashtra, Tamil Nadu, Telangana và Karnataka có sự hiện diện riêng tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ), định vị mình là trung tâm công nghệ về sản xuất và AI.

Với mục đích, các gian hàng riêng biệt của từng bang cùng gửi đi một thông điệp, rằng các khu vực khác nhau ở Ấn Độ đang cạnh tranh với nhau để mang lại cho các công ty toàn cầu khả năng tiếp cận tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhờ đâu kinh tế Ấn Độ bùng nổ?

    Nhờ đâu kinh tế Ấn Độ bùng nổ?

    04:30, 08/01/2024

  • Kinh tế Ấn Độ năm 2023: Những điểm nổi bật

    Kinh tế Ấn Độ năm 2023: Những điểm nổi bật

    04:00, 24/12/2023

  • Thách thức mới với kinh tế Ấn Độ

    Thách thức mới với kinh tế Ấn Độ

    03:00, 29/05/2023

  • Kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh nhất thế giới?

    Kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh nhất thế giới?

    06:30, 30/01/2018

TRƯƠNG KHẮC TRÀ