Ấn Độ có thể sẽ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất thế giới khi GDP nước này được dự báo sẽ đạt 7- 7,5% trong năm tài khóa 2018-2019.
Theo tờ trình của chính phủ Ấn Độ lên Quốc hội nước này, mặc dù Chính phủ có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách từ mức dự kiến 3,2% năm tài khóa này xuống còn 3% trong năm tài khóa 2018-2019, nhưng kế hoạch này có thể trì hoãn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Một loạt các cuộc cải cách đã được tiến hành trong năm tài khóa vừa qua để nỗ lực đạt được tăng trưởng GDP là 6,75% trong năm tài khóa này và sẽ đạt 7-7,5% trong năm tài khóa tiếp theo, đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới”, tờ trình của Chính phủ Ấn Độ nêu rõ.
Sở dĩ chính phủ Ấn Độ dự báo như vậy là do đầu tư tư nhân, xuất khẩu của quốc gia này đã và đang tăng mạnh sau khi quốc gia này đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 3 năm qua vào năm tài khóa 2017- 2018.
Sự giảm tốc tăng trưởng trong năm tài khóa 2017-2018 là do quốc gia này áp thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và cú sốc hủy các đồng tiền có mệnh giá 500 và 1.000 Rupee vào cuối năm 2016.
“Việc trì hoãn giảm thâm hụt ngân sách sẽ giúp Chính phủ Ấn Độ tiếp tục tài trợ cho các chương trình phát triển nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết.
Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ Ấn Độ cũng thận trọng cảnh báo rằng, giá dầu thô tăng cao có thể sẽ là rủi ro cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia này vốn dựa vào nhập khẩu nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ông Suvodeep Rakshit, chuyên gia kinh tế của Kotak Institutional Equities ở Mumbai cho biết, Chính phủ Ấn Độ có thể tập trung vào phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, nhà ở, nông nghiệp bằng nguồn vốn từ ngân sách hoặc ngoài ngân sách, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau khi thông tin nói của Chính phủ Ấn Độ được công bố, thì lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ấn Độ đã tăng 5 điểm phần trăm lên mức 7,53%, trong khi đó tỷ giá đồng Rupee so với USD cũng tăng lên mức 63,51; chỉ số NSE cũng tăng 0,7%....