Sửa Nghị định 24/2012: Cần xem xét lại cách thức quản lý

GIA NGUYỄN 28/01/2024 11:20

Để đảm bảo cân đối cung – cầu của thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, theo chuyên gia, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, cần xem xét lại các thức quản lý...

>> Sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để “cởi trói” cho thị trường vàng

Theo đó, trước hiện trạng chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới và giữa giá vàng miếng SJC với các loại vàng khác có cùng hàm lượng, tác động tiêu cực đến người dân và xã hội, nhiều ý kiến đề xuất, cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để tăng tính liên thông với thị trường thế giới và phát triển giao dịch vàng trên tài khoản.

Bất cập của quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP khiến thị trường vàng còn đó những bất ổn - Ảnh minh họa: ITN

Bất cập của quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP khiến thị trường vàng còn đó những bất ổn - Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thực thi Nghị định 24/2012/NĐ-CP hơn 11 năm qua đã đạt được mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Song đến nay, các điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi nên việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP là cần thiết và đáng lẽ phải sửa đổi sớm hơn.

“Việc sửa Nghị định, mục tiêu quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và suốt quá trình triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP là chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất. Chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không, điều này cần phải đánh giá thấu đáo”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, giá vàng liên tục gây bất ngờ khi xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Đáng nói, khi giá vàng thế giới tăng thì giá trong nước lập tức tăng theo, nhưng khi giá thế giới giảm hoặc đứng im thì giá vàng SJC vẫn không ngừng “nhảy múa”, điều này dẫn tới khoảng cách giữa giá mua và bán có sự chênh lệch lớn. Hiện trạng này không chỉ đẩy rủi ro về phía người mua, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tình trạng buôn bán vàng lậu.

>> Giá vàng miếng SJC lập đỉnh mới, chạm ngưỡng 80 triệu đồng/lượng

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần xem xét lại cách thức quản lý - Ảnh minh họa: ITN

Chia sẻ xoay quanh vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, theo thông lệ quốc tế, người ta coi vàng là một loại hàng hóa và có 2 loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường.

Trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh. Còn trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường. Các ngân hàng Trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng Trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng…

Theo ông Hùng, vai trò của ngân hàng Trung ương trong phát huy rất tốt trong thời điểm mà thị trường vàng lộn xộn. Nếu hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì việc độc quyền sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng.

Đồng quan điểm với ông Hùng, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh năm 2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã hạn chế kịp thời tình trạng “vàng hóa”, dùng vàng để thay thế các công cụ thanh toán.

Tuy nhiên, đến nay, tình hình đã thay đổi rất nhiều về kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định rất chặt chẽ rằng Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thực tế những năm qua, tâm lý của người dân với mong muốn tích trữ vàng để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro. SJC được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất.

“Tích lũy bao giờ cũng đảm bảo an toàn nhất nên người ta đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu vàng SJC. Trong khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng”, ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, việc Việt Nam không cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới dẫn đến tình trạng thế giới có thể tăng một chút thì trong nước tăng rất cao. Điều này là rất phi lý, khi có tình trạng không liên thông dẫn đến tăng mạnh như vậy, hậu quả xảy ra sẽ rất lớn.

Chênh lệch giá vàng lớn có thể khiến những người có nhu cầu sở hữu vàng, cất trữ vàng sẽ bị thiệt hại, phải mua vàng với một cái giá rất cao. Khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch nhiều đến như thế sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu, buôn lậu vàng.

Từ đó, ông Cường cho rằng, trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Nhà nước có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa”, ông Cường bày tỏ.

Bàn về giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững, chuyên gia kinh tế - TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, việc sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường. Đồng thời, chính sách quản lý thị trường vàng cần tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hoá, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới. Bên cạnh đó, phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Chuyên gia nói gì?

    Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Chuyên gia nói gì?

    03:30, 04/01/2024

  • Sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để “cởi trói” cho thị trường vàng

    Sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để “cởi trói” cho thị trường vàng

    04:00, 28/12/2023

  • Vàng “lậu” hoành hành, cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012

    Vàng “lậu” hoành hành, cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012

    03:00, 08/10/2022

  • Dự thảo hướng dẫn về quản lý kinh doanh vàng: Vẫn còn “khó” cho doanh nghiệp

    Dự thảo hướng dẫn về quản lý kinh doanh vàng: Vẫn còn “khó” cho doanh nghiệp

    11:48, 13/07/2021

  • Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014

    Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014

    05:00, 25/09/2019

GIA NGUYỄN