Đánh giá cao những giá trị Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã mang lại, tuy nhiên, theo chuyên gia, trong bối cảnh mới, chính sách này cần được sửa đổi, bổ sung để “cởi trói” cho thị trường vàng…
>> Giá vàng miếng SJC lập đỉnh mới, chạm ngưỡng 80 triệu đồng/lượng
Theo đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời được cho đã thiết lập lại trật tự và sự ổn định thị trường vàng, không còn cơn sốt giá vàng miếng, ngăn được tình trạng vàng hóa. Thế nhưng, sau hơn 10 năm áp dụng, một số quy định chính sách này đã và đang cho thấy nhiều tồn tại, bất cập, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất lớn…
Thực tế cho thấy, từ giữa tháng 12/2023, giá vàng liên tục gây bất ngờ khi xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Đáng nói, khi giá vàng thế giới tăng thì giá trong nước lập tức tăng theo, nhưng khi giá thế giới giảm hoặc đứng im thì giá vàng SJC vẫn không ngừng “nhảy múa”, điều này dẫn tới giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa giá mua và bán có thời điểm lên tới 1,8 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro về phía người mua.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của giá vàng tăng không phải do người dân mua quá nhiều mà chủ yếu do khan hiếm vàng SJC. Cụ thể là các quy định quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, trong khi Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu nhưng nhiều năm nay lại không nhập khẩu vàng từ đó dẫn đến việc thiếu nguồn cung, trong khi một số doanh nghiệp phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC càng khan hiếm.
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, một chính sách mà những năm gần đây bắt đầu bộc lộ bất cập, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đều chịu thiệt, thì đã đến lúc cần xem xét để sửa đổi cho phù hợp. Đặc biệt, khi giá vàng trong nước và thế giới chênh quá cao, một khoảng trống về lợi nhuận đã được tạo ra, điều này khuyến khích nhập khẩu lậu vàng vào Việt Nam. Hệ quả chung là, thị trường vàng Việt Nam đang đi thụt lùi so với thế giới vì thiếu những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược.
Trong bối cảnh đó, một số quy định bất cập, không còn phù hợp của Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần sớm được sửa đổi để người dân, doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế cùng hưởng lợi, góp phần kích thích ngành sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phát triển và bảo đảm nhu cầu nắm giữ vàng như một tài sản an toàn.
>> Dự thảo hướng dẫn về quản lý kinh doanh vàng: Vẫn còn “khó” cho doanh nghiệp
Theo ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), Nghị định 24/2012/NĐ-CP không tách bạch giữa quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh. Một Nghị định về quản lý Nhà nước nhưng lại giao cho cơ quan quản lý Nhà nước tham gia thị trường. Nghị định quy định ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng về, dập ra vàng miếng SJC và bán ra thị trường. Tuy nhiên, không có ngân hàng Trung ương nào đi sản xuất vàng để bán ra thị trường.
Ngân hàng Nhà nước không nên làm việc đó, nếu ngân hàng Nhà nước nhập hàng về bán, đã bán thì phải có mua. Khi đó cơ quan Nhà nước trở thành doanh nghiệp, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, điều này trái thông lệ quốc tế. Cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng can thiệp thị trường bằng chính sách chứ không phải bằng hàng hóa.
Cũng theo ông Bảng, mặc dù Nghị định 24/2012/NĐ-CP có quy định quản lý chặt chẽ vàng miếng, phát triển thị trường vàng trang sức, nhưng các Điều trong Nghị định này không thực hiện trọn vẹn. Thêm vào đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định nguyên tắc, thủ tục, điều kiện để ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, 11 năm qua thực tế không cấp.
“Không có Nghị định nào áp dụng 11 năm như vậy, Nghị định thông thường từ 2-5 năm là cần xem xét, chỉnh sửa để phù hợp với biến động của thị trường. Chính sách phải định hướng dẫn dắt thị trường, chứ không phải ngược lại”, ông Bảng bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển gắn liền thị trường vàng với thị trường hàng hóa, thị trường tài chính phù hợp với định hướng thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập kinh tế.
“Cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để loại bỏ những bất cập hiện nay. Nghị định sửa đổi lần này phải đề cập toàn diện hơn về các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức.
Cần trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng, mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh (với điều kiện đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn). Còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập vì chức năng cơ bản của ngân hàng thương mại là cung cấp các dịch vụ tài chính và hoạt động tín dụng. Nếu để các ngân hàng thương mại trực tiếp kinh doanh vàng sẽ dẫn tới hệ lụy, dễ đầu cơ, làm giá do có lượng vốn lớn”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời đề xuất, bổ sung các quy định về loại hình vàng kỳ hạn nhằm đa dạng hóa các loại hàng hóa trên thị trường vàng. Cần cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Để đảm bảo tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do Ngân hàng Nhà nước phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các ngân hàng để thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng miếng SJC lập đỉnh mới, chạm ngưỡng 80 triệu đồng/lượng
13:00, 26/12/2023
Giá vàng miếng SJC tăng vượt 78 triệu đồng/lượng
16:45, 25/12/2023
Kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, giá vàng sẽ ra sao?
11:19, 24/12/2023
Giá vàng SJC tăng kỷ lục lên trên 77 triệu đồng/lượng
13:07, 22/12/2023
Giá vàng sẽ lập đỉnh cao mới trong năm 2024?
04:00, 22/12/2023