Thách thức mới của ngành bất động sản khu công nghiệp

ĐÌNH ĐẠI 27/01/2024 04:00

Triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp thời gian tới đến từ các điều kiện vĩ mô ổn định cùng việc nâng tầm quan hệ đối tác với các cường quốc giúp duy trì đà tăng trưởng của dòng vốn FDI.

>>>Bất động sản công nghiệp hứa hẹn khởi sắc

Triển vọng ngành BĐS KCN thời gian tới đến từ các điều kiện vĩ mô ổn định, cùng việc nâng tầm quan hệ đối tác với các cường quốc giúp duy trì đà tăng trưởng của dòng vốn FDI.

Khu công nghiệp truyền thống đang mất đi lợi thế cạnh tranh

Đánh giá về triển vọng ngành Bất động sản Khu công nghiệp (BĐS KCN) trong năm 2024, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn đó. Yếu tố đầu tiên, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của dòng vốn sản xuất theo chiến lược Trung Quốc +1.

Lợi thế cạnh tranh vẫn còn

Theo MBS, năm 2023, vốn FDI đăng ký đạt 36,6 tỷ USD và vốn FDI giải ngân đạt 23 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 32,1% và 3,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn khi nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ.

Dòng vốn FDI duy trì đà tăng tốt là nhờ: Các Hiệp định thương mại có hiệu lực trong hai năm gần đây như RCEP, EVFTA sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc thu hút dòng vốn FDI trong những năm tới; Năng suất lao động đang cải thiện tích cực; Chi phí điện năng hấp dẫn; Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư.

Trong giai đoạn 2022 – 2025, nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch, nối liền các tỉnh, thành và vùng kinh tế đã được phê duyệt và nhanh chóng khởi công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như tập trung phát triển về đường bộ: Hoàn thiện đường Vành đai 4 phía Bắc, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Bến Lức – Long Thành. Ngoài ra, nhiều tuyến vận tải đường thuỷ tạo kết nối các KCN tới cảng biển và trung tâm logistics lớn, như cảng Cát Lái và cảng Cái Mép – Thị Vải, sẽ được đầu tư trong thời gian tới.

Yếu tố thứ hai là việc nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ cao trong thời gian tới. Mỹ là quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên thế giới. Mỗi năm doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 200-300 tỷ USD, nhưng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam trong các năm gần đây chỉ khoảng 1 tỷ USD/năm.

Sau khi nâng tầm hợp tác với Mỹ lên đối tác chiến lược, MBS kỳ vọng dòng vốn FDI của Mỹ đầu tư vào công nghệ cao ở Việt Nam được đẩy mạnh nhờ Việt Nam có trữ lượng lớn đất hiếm và vonfram cho phát triển công nghệ cao.

“Đây là hai nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như năng lượng, quân sự, vũ trụ, giao thông vận tải… Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (ước tính khoảng 22 triệu tấn) và trữ lượng vonfram lớn thứ 3 thế giới (ước tính khoảng 100 nghìn tấn)”, MBS đánh giá.

Nhiều thách thức mới được đặt ra

Một là, gia tăng cạnh tranh thu hút FDI của các nước trong khu vực. Hai đối tác lớn nhất cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam hiện nay là Ấn Độ và Indonesia. Để thu hút FDI sau đại dịch, Ấn Độ đã dành ra quỹ đất sạch 460 nghìn ha, đầu tư 1.500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới. Nhiều doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Apple, Pegatron đang tăng cường đầu tư vào quốc gia này. CAGR dòng vốn FDI vào Ấn Độ qua giai đoạn 2018-2022 đạt 9%/năm, cao hơn so với Việt Nam chỉ đạt 4%/năm.

Trong khi đó, Indonesia thu hút nhiều FDI nhờ sự phát triển của lĩnh vực sản xuất pin xe điện, lĩnh vực điện toán đám mây. CAGR dòng vốn FDI vào quốc gia này trong 5 năm gần đây đạt 13%/năm. Trong khi, FDI vào Việt Nam vẫn tập trung vào lắp ráp hàng tiêu dùng và các thiết bị điện tử khác.

Hai là, nguy cơ thiếu điện cho sản xuất trong mùa cao điểm. Công suất phát điện khả dụng cao nhất của Việt Nam khoảng 43.000 MW, nhưng vào mùa cao điểm công suất phụ tải cao nhất có thể đạt tới 45.500 MW. Công suất phụ tải tăng trưởng cao nên Việt Nam có thể thiếu tối đa gần 2.500 MW vào mùa cao điểm trong các năm tới, đặc biệt khi chu kỳ El Nino được dự báo sẽ kéo dài và mạnh hơn trước. Nguy cơ thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất khiến một số nhà đầu tư huỷ kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.

Ba là, tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia từ ngày 01/01/2024. Như vậy, các công ty có doanh thu trên 750 triệu euro đang được hưởng ưu đãi của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam phải nộp bổ sung lên mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Do đó, chính sách ưu đãi thuế (miễn thuế, giảm thuế) của Việt Nam sẽ mất đi tác dụng.

Để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, một số nước nhận vốn FDI, tương tự như Việt Nam, đã đưa ra chính sách ứng phó, trong đó, quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa, để tránh mất đi khoản thu từ phần thuế chênh lệch.

“Chúng tôi cho rằng ngoài việc làm mất đi tác dụng của chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài thì việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn đầu tư quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến chiến lược thu hút đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ cao”, MBS nhận định.

Những xu hướng sẽ định hình ngành BĐS KCN

Thứ nhất, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang thị thị trường loại 2 nhờ nguồn cung dồi dào, giá thuê thấp. Tại miền Bắc dòng vốn FDI có xu hướng chảy sang thị trường loại 2 như: Quảng Ninh đã thu hút được hơn 3,1 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 3 cả nước trong năm 2023, tiêu biểu là dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Bắc Giang thu hút được 3 tỷ USD vốn FDI, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, trong đó dự án sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2 đóng góp tới 0,6 tỷ USD. Thái Nguyên thu hút được Tổ hợp dự án của Samsung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD trong năm 2022 giúp địa phương này ghi nhận dòng vốn FDI gấp 6 lần.

Tỷ trọng dòng vốn vào thị trường loại 2 từ 2018 đến nay ghi nhận mức tăng rõ rệt, từ mức 20% trong năm 2018 lên mức 53% trong năm 2023. Điều này là do giá thuê đất KCN tại thị trường loại 2 thấp hơn 20% so với thị trường loại 1, diện tích đất thương phẩm còn lại nhiều (tỷ lệ lấp đầy thị trường loại 2 mới chỉ đạt 64%).

Tại miền Nam, tỷ trọng dòng vốn FDI vào thị trường loại 2 có xu hướng tăng trong năm 2023, từ mức 21,6% trong năm 2022 lên 23,2% trong năm 2023. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hút được hơn 1 tỷ USD vốn FDI, tiêu biểu là dự án sản xuất sợi và vật liệu carbon của Hyosung Việt Nam có vốn đầu tư 540 triệu USD. Bình Phước thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng vốn 758 triệu USD, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ.

Nguyên nhân là nhờ lợi thế về diện tích đất KCN có thể cho thuê lớn, tỷ lệ lấp đầy thị trường loại 2 chỉ đạt 63% trong khi thị trường loại 1 đã đạt tới 90% (TP.HCM, Bình Dương đạt 95%, còn tại Đồng Nai, Long An đạt trên 80%). Bên cạnh đó, giá thuê đất tại thị trường loại 2 chỉ bằng một nửa so với giá tại thị trường loại 1.

Thứ hai, xu hướng phát triển KCN “xanh” để thu hút dòng vốn FDI vào ngành công nghệ cao. KCN truyền thống chỉ có nhà máy sản xuất thuần tuý, nhà ở và các dịch vụ tiện ích khác, đang mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, xu hướng phát triển KCN “xanh” đang dần thu hút được nhiều nhà đầu tư hướng tới yếu tố xanh, bền vững.

Phát triển KCN “xanh” là tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhằm mục tiêu hướng đến giảm thiểu phát thải khí carbon đến năm 2050 về 0. Xây dựng KCN “xanh” để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp “xanh” là xu thế chung trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Thành lập Liên chi Hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam

    Thành lập Liên chi Hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam

    16:01, 18/01/2024

  • Bất động sản công nghiệp hứa hẹn khởi sắc

    Bất động sản công nghiệp hứa hẹn khởi sắc

    11:00, 01/01/2024

  • Gia tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp

    Gia tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp

    03:00, 31/12/2023

  • Bất động sản công nghiệp: Tránh bẫy tăng trưởng nóng

    Bất động sản công nghiệp: Tránh bẫy tăng trưởng nóng

    16:56, 24/12/2023

  • Bất động sản công nghiệp đối mặt với áp lực tăng giá

    Bất động sản công nghiệp đối mặt với áp lực tăng giá

    14:41, 22/12/2023

ĐÌNH ĐẠI