[CẢM XÚC XUÂN] Nhớ vị bánh chưng lá riềng của bố
Cứ mỗi dịp Tết về, tôi lại bồi hồi nhớ lại những cái Tết của thời còn lên 5, lên 7, được xem bố gói bánh chưng và đặc biệt là được thưởng thức vị bánh chưng lá riềng đặc trưng của bố.
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Độc đáo bánh chưng nhân cá
Sinh ra và lớn lên ở một huyện vùng quê của tỉnh Thái Bình, những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước quê tôi còn nghèo lắm, người dân quê tôi quanh năm chỉ trông chờ vào cây lúa, củ khoai, không có nghề phụ như nhiều vùng quê khác, nên năm nào được mùa thì có cái Tết tươm tất, còn năm nào mất mùa thì coi như “mất Tết”.
Ngày ấy, đám trẻ con chúng tôi thiếu thốn mọi thứ nên năm nào cũng mong ngóng Tết, bởi chỉ có Tết mới được ăn ngon, mặc đẹp và đặc biệt là được ăn bánh chưng, một món ăn có thể nói là “xa xỉ” với đám trẻ con chúng tôi ngày ấy, vì chỉ Tết mới có.
Đám con nít chúng tôi ngày ấy háo hức mong chờ Tết còn hơn “mong mẹ về chợ”. Trong khi, chúng tôi đếm từng ngày để mong được thấy Tết bao nhiêu, thì người lớn lại “sợ Tết” bấy nhiêu, vì Tết là biết bao thứ phải lo. Tôi cũng như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa khác mong chờ Tết để được ngồi xem bố gói bánh chưng, được thức “trông bánh chưng chờ trời sáng” cùng với người lớn và đặc biệt là được nếm thử miếng bánh chưng đầu tiên từ những chiếc bánh Cóc.
Năm nào bố tôi cũng gói bánh chưng vào ngày 29 hoặc 30 Tết, bố tôi bảo, gói muộn để qua Tết bánh để được lâu ngày hơn vì ngày đó không có tủ lạnh, bánh để được lâu hay không là nhờ vào thời tiết miền Bắc năm đó có lạnh nhiều hay không.
Để có đủ nguyên liệu gói bánh chưng Tết, mẹ tôi phải chuẩn bị từ trước nửa năm. Đỗ xanh (đậu xanh) được mẹ tôi trồng ở bãi sông, bãi ngòi từ tháng 4, tháng 5. Gạo nếp thì được cấy và thu hoạch từ vụ Hè Thu (tháng 8,9 âm lịch hàng năm). Lá Dong được bố tôi trồng ở góc vườn; lạt buộc bánh cũng do tự tay bố tôi chẻ từ những cây tre bánh tẻ trồng ở bờ rào trước vườn nhà.
Đến ngày gói bánh chưng, gạo nếp và đỗ xanh được mẹ tôi ngâm từ tối hôm trước. Bố tôi còn cẩn thận cắt lá riềng trong vườn về giã lọc lấy nước cho mẹ tôi ngâm gạo. Bố tôi bảo ngâm gạo với nước là riềng thì bánh chưng sẽ xanh và ngon hơn.
Sáng hôm sau, trong khi chúng tôi theo chân bố đi đụng lợn, thì mẹ tôi ở nhà vo gạo, đãi vỏ đỗ, rửa lá Dong và chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu chỉ chờ bố tôi mang thịt lợn về là gói bánh. Ngày ấy ở quê tôi có tục đụng lợn, cứ 4-5 gia đình mua chung một con lợn của một nhà trong xóm, đến ngày giáp Tết thì mổ lợn và chia đều để ăn Tết, quê tôi gọi là “đụng lợn”.
Thịt lợn mang về, bố tôi chọn ra những miếng thịt 3 chỉ để làm nhân bánh chưng. Bố tôi giải thích, loại thịt ba chỉ này vừa có nạc vừa có mỡ gói bánh chưng sẽ rất ngon. Bởi khi luộc bánh với nhiệt độ cao, phần mỡ sẽ tan chảy ra hòa quyện vào với gạo nếp và đậu xanh, khi ăn sẽ có vị béo ngậy. Nhân thịt cũng được ướp với Tiêu và Thảo quả, tạo nên một hương vị đặc trưng mà chỉ có bánh chưng mới có.
Tết năm nào bố tôi cũng gói hơn 20 đồng bánh chưng, vừa để đi Tết ông bà, các bác trong họ, phần thì để ra Giêng chúng tôi có cái ăn sáng mà đi học, đi làm. Thường thì năm nào cũng phải qua rằm tháng Giêng nhà tôi mới ăn hết bánh chưng.
Bố tôi vốn rất tỉ mỉ và khéo tay, nên đồng bánh nào ông gói cũng vuông thành sắc cạnh, mười đồng như một, nhìn rất đẹp mắt. Vừa gói bánh, ông vừa giảng giải cho chúng tôi hiểu về phong tục gói bánh chưng ngày Tết. Rồi làm như thế nào để có được những đồng bánh chưng vừa đẹp mắt, vừa ngon. Cách luộc bánh làm sao để bánh rền và không bị lại gạo, cũng như bí quyết làm sao để bánh có được màu xanh tự nhiên…
Gói bánh xong, công đoạn luộc bánh cũng lắm công phu. Từng cặp bánh được bố tôi cột lại rồi xếp vào nồi, dưới đáy nồi, bố tôi lót một lớp cọng lá dong, bố tôi bảo phải lót như vậy để khi luộc bánh sẽ không bị dính vào đáy nồi, và sau mỗi lớp bánh cũng phải lót một lớp cọng và lá dong cắt vụn vừa để khỏi dính bánh, vừa để tăng thêm màu xanh cho bánh.
Để bánh chưng được rền, thì thời gian luộc bánh phải từ 10-12 tiếng, nước trong nồi lúc nào cũng phải sôi và ngập bánh, khi châm nước thì nhất định không được châm nước lạnh vào nồi bánh mà phải châm nước sôi. Đây cũng là bí quyết để bánh không bị lại gạo về sau. Bởi thế mà bên cạnh nồi bánh, bố tôi luôn để một nồi nước nhỏ để châm mỗi khi nước trong nồi bánh vơi đi.
Ngồi canh nồi bánh chưng, thi thoảng bố tôi lại hút điếu thuốc lào, những tiếng rít kêu rong róc từ cái điếu bát của bố tôi làm xóa tan đi cái không gian tĩnh lặng của đêm Đông miền Bắc. Đám con nít chúng tôi cũng hí hửng thức cùng, nhưng cũng chỉ được đến quá nửa đêm là lăn ra ngủ lúc nào chẳng hay.
Khi vớt bánh và ép bánh xong xuôi đâu đấy, bố tôi mới gọi chúng tôi dậy, rồi ông bóc những chiếc bánh Cóc cho chúng tôi thưởng thức. Khỏi phải nói, đây là khoảnh khắc mà chúng tôi mong chờ nhất, được thưởng thức miếng bánh chưng nóng hổi giữa tiết trời giá lạnh với cái bụng đói ngày ấy đã ăn sâu vào ký ức của những đứa trẻ lên 5, lên 7 chúng tôi. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi cái hương vị bánh chưng lá riềng đặc trưng của bố.
Tôi may mắn được thừa hưởng “gen” khéo tay từ bố, nên sau những lần ngồi xem bố gói bánh, tôi đã học được tất cả những công đoạn cũng như bí quyết để gói được những chiếc bánh chưng ngon và đẹp của bố. Giờ đây, bố tôi đã về với tổ tiên, ông bà và trở thành người thiên cổ, nhưng những gì tôi học được từ ông ngày xưa vẫn luôn theo tôi trong hành trình lập nghiệp ở tận trời Nam, để mỗi dịp Tết về, tôi lại tự tay gói những đồng bánh chưng dâng lên bàn thờ của bố. Với tôi, đó còn là dịp để nhắc nhớ về những kỷ niệm của một thời tuổi thơ nghèo khó.
Có thể bạn quan tâm
[CẢM XÚC XUÂN] Độc đáo bánh chưng nhân cá
05:00, 18/01/2023
[CẢM XÚC XUÂN] Về Hải Phòng thăm làng bánh chưng Thuỷ Đường
04:00, 12/01/2023
[CẢM XÚC XUÂN] Sau Tết, hàng nghìn người đổ về các điểm du lịch, tâm linh
10:47, 29/01/2023
[CẢM XÚC XUÂN] Canh giữ biển trời tô thắm mùa xuân đất nước
15:11, 26/01/2023
[CẢM XÚC XUÂN] Du Xuân đảo Dáu
15:00, 26/01/2023
[CẢM XÚC XUÂN] Trận đòn ngày Tết và giấc mơ sổ xố của mẹ
11:00, 26/01/2023
[CẢM XÚC XUÂN] Xuân ở ngôi làng trên đỉnh núi Pờ Yầu
06:00, 26/01/2023