Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã đến, thế nhưng với cán bộ chiến sĩ Hải quân, Tết lại là thời điểm các anh phải tập trung cao độ thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời, mùa xuân đất nước.
>>>Bảo vệ chủ quyền biển đảo từ góc độ văn hóa
Khắp mọi miền quê nơi đất liền đang rộn rã không khí đón xuân và ở nơi xa đó, các cán bộ chiến sĩ Hải quân vẫn luôn một lòng kiên trung, bất khuất nơi “đầu sóng, ngọn gió”, âm thầm bảo vệ vững chắc “biển trời” của Tổ quốc.
Gác lại niềm riêng, tập trung cao độ...
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã đến. Đây cũng là lúc những người con xa quê trở về đoàn tụ với gia đình sau những tháng ngày xa cách. Thế nhưng vào những ngày này chúng tôi đến thăm một số đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân trên địa bàn TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đâu đâu, chúng tôi cũng bắt gặp không khí làm việc, huấn luyện sôi nổi, hăng say của bộ đội.
Đơn vị đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Hải đội 512, Lữ đoàn 127. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến một buổi luyện tập xử trí tình huống báo động phòng không tại bến của cán bộ, chiến sĩ các tàu. Trên quân cảng, khẩu lệnh của người chỉ huy, khẩu lệnh báo cáo của các vị trí hoà với tiếng sóng biển, tiếng thao tác vũ khí, trang bị của bộ đội tạo nên bầu không khí huấn luyện rất rộn rã, sôi động.
Thiếu tá Khúc Văn Hậu, Hải đội trưởng Hải đội 512 cho biết: “Dù Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề, nhưng đơn vị vẫn tổ chức duy trì huấn luyện chặt chẽ, nghiêm túc với phương châm “vui Tết, đón xuân không quên nhiệm vụ”. Trong đó, Hải đội tập trung luyện tập thuần thục các bảng bố trí chiến đấu cho bộ đội đồng thời duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện, hệ thống trực, sẵn sàng xử lý thắng lợi các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, nhất là trên hướng biển”.
Sau hơn 30 phút theo dõi cán bộ, chiến sĩ luyện tập, chúng tôi mới có dịp làm quen với bộ đội khi đơn vị bước vào giờ nghỉ giải lao. Trong không khí ấm áp, cởi mở, thân tình bên những tách trà nóng thoang thoảng vị mặn mòi của biển, chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện về công việc, cuộc sống, gia đình. Trò chuyện cùng các chiến sĩ, tôi đặc biệt có ấn tượng với những chia sẻ của Trung uý quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Anh Tuấn, Nhân viên Hàng hải Tàu 253 và một người lính trẻ khác cùng tàu với Tuấn là Hạ sĩ Mai Văn Chung, Chiến sĩ Tín hiệu.
Với Hoàng Anh Tuấn, anh cho biết quê mình ở Thái Nguyên. Năm 2019, qua giới thiệu của người thân, Tuấn làm quen với một bạn gái quê ở Bắc Kạn, hiện là giáo viên cấp 1 đang công tác tại địa phương. Sau một năm tìm hiểu, hẹn hò, họ chính thức yêu nhau. Dự định Tết này, hai gia đình sẽ gặp mặt nói chuyện người lớn, bàn tính việc tổ chức đám cưới nhưng vì Tuấn phải thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị nên việc đó đành hoãn lại.
"Là người lính, phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Thấu hiểu điều đó nên bạn gái em cũng cảm thông, chia sẻ và ủng hộ công việc em đang làm. Chúng em đã bàn bạc với gia đình và thống nhất lần về phép tới, sẽ tổ chức đám cưới"- Hoàng Anh Tuấn nói.
>>>“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ vững chủ quyền biển đảo
Đến với câu chuyện của Mai Văn Chung, chiến sĩ trẻ người Thanh Hoá. Khi được hỏi về gia đình mình, Chung xúc động kể: “Nhà em có ba anh chị em, em là út trong gia đình. Năm em 1 tuổi, bố không may bị tai nạn giao thông qua đời, thế nên những ký ức của em về bố chỉ dựa vào những tấm hình và qua các câu chuyện kể của mẹ”. Nói đến đây, giọng Chung như nghẹn lại, phải mất một lát, Chung mới kể được tiếp. Chung bảo, hai anh chị của mình hiện đã xây dựng gia đình và đều ở xa. Quê nhà, giờ chỉ có mình mẹ nên nhiều lúc Chung không khỏi chạnh lòng, lo lắng.
“Những năm trước, giờ này em đang giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, chở mẹ đi chợ, bổ củi, gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả cúng gia tiên. Năm nay, em vắng nhà, không biết mình mẹ sẽ xoay sở ra sao? Mong muốn lớn nhất của em đó là mẹ luôn lạc quan, vui vẻ và khỏe mạnh để em yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- Chung bộc bạch.
Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời, mùa xuân đất nước.
Chia tay cán bộ, chiến sĩ Hải đội 512, vượt quãng đường hơn 50km rợp bóng cờ hoa từ thị trấn An Thới lên xã Gành Dầu, chúng tôi đến Trạm ra đa 620, Tiểu đoàn 551. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến đây đó là hình ảnh các chiến sĩ đang tất bật làm đẹp doanh trại, sắp xếp bàn ghế, trang trí phòng đón xuân, chuyện trò rôm rả. Tất cả, tạo nên bầu không khí thật rộn ràng, ấm cúng.
Thấy chúng tôi ngó nghiêng, tò mò về cánh sóng ra đa của đơn vị, Trung tá Nguyễn Việt Hải, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 551 đi cùng đoàn liền giới thiệu: “Trạm ra đa 620 đóng quân độc lập trên đồi cao, được chia làm hai khu, khu A và khu B. Khu A là đài chỉ huy quan sát, còn khu B là sở chỉ huy Trạm và nhà ở của bộ đội”.
Sau khi tham quan xong khu B, chúng tôi được cán bộ Trạm dẫn lên khu A. Để lên đài quan sát, chúng tôi phải băng qua một con đường mòn xuyên rừng dài khoảng 1km với những con dốc trơn trượt, lởm chởm sỏi đá. Phải mất hơn 20 phút hành quân bộ, chúng tôi mới leo lên được vị trí đặt ra đa-nơi đóng quân cao nhất của Trạm. Từ đây, chúng tôi có thể phóng tầm mắt nhìn khung cảnh vùng biển phía Bắc đảo Phú Quốc và một số hòn đảo lân cận thuộc nước bạn Campuchia.
Nói về nhiệm vụ của Trạm, Đại úy Nguyễn Hoàng Niệm, Trạm trưởng Trạm 620 cho biết: “Nhiệm vụ chính của Trạm là quan sát, phát hiện, nắm tình hình trên biển, trên không tầm thấp và nội địa trong phạm vi được giao. Khu vực đơn vị đảm nhiệm quan sát giáp ranh với Campuchia, có lưu lượng phương tiện tàu thuyền hoạt động rất lớn. Đây cũng là địa bàn nóng về hoạt động buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép”.
Cũng theo Đại úy Nguyễn Hoàng Niệm, càng vào thời điểm Tết, hoạt động buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép càng diễn biến phức tạp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, lịch trực cụ thể, bảo đảm quân số trực 24/24 giờ đồng thời phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, sẵn sàng xử lý tốt các tình huống xảy ra.
Tiếp tục thăm “đại bản doanh” của đơn vị, chúng tôi được “thực mục sở thị” bên trong phòng trực của đài quan sát. Không giống như những gì tôi đã hình dung trước đó, căn phòng trực chỉ rộng khoảng 15m2 với rất nhiều máy móc, trang thiết bị chuyên dụng. Không khí làm việc của kíp trực thì rất nhộn nhịp, khẩn trương bởi các mục tiêu liên tục xuất hiện.
Chỉ tay vào những chấm nhỏ li ti hiển thị dày đặc trên màn hình ra đa, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Tuyên, Nhân viên ra đa Trạm 620 cho biết: “Tất cả các mục tiêu từ tàu quân sự, tàu hàng cho đến tàu đánh cá của ngư dân đều được thể hiện bằng những dấu hiệu đơn giản như vậy. Do đó, chúng tôi phải tập trung theo dõi, quan sát, dựa vào các yếu tố như đường, hướng, tốc độ, sóng hồi, đèn tín hiệu… thì mới nhận dạng, phân biệt được chính xác các loại mục tiêu”.
Tham gia kíp trực, ngoài những người lính dày dạn kinh nghiệp cũng có những chiến sĩ trẻ mới về đơn vị công tác. Hạ sĩ Nguyễn Văn Yên, Trắc thủ ra đa Trạm 620 là một trong số đó. Tâm sự với chúng tôi, Yên chia sẻ, lúc mới về đơn vị, Yên gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ trực quan sát. Nhưng nhờ được chỉ huy, các chú, các anh trong đơn vị giúp đỡ, chỉ bảo tận tình, Yên đã dần thích nghi và đảm nhiệm được chức trách của một trắc thủ ra đa.
“Năm nay là lần đầu tiên em ăn Tết xa nhà. Dù không được ở cạnh gia đình, người thân trong thời khắc giao thừa thiêng liêng nhưng em vẫn rất vui và tự hào khi được cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ nơi đảo xa. Em xin hứa, sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám máy, bám đài trạm, tích cực quan sát, phát hiện, quyết không để sót, lọt mục tiêu”- Yên khẳng định.
Gác lại niềm riêng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, đó là những điều chúng tôi cảm nhận và thấy rõ ở những người lính biển Tây Nam. Với các anh, niềm vui, sự hạnh phúc trong dịp Tết đến, xuân về chính là quê hương, đất nước được yên bình, nhân dân có được một mùa xuân trọn vẹn.
Bài viết tham gia CẢM XÚC XUÂN gửi về hòm thư doanhien@dddn.com.vn. Tác phẩm phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút.Lưu ý: Bài viết bao gồm thông tin tác giả, địa chỉ thường trú và số điện thoại để Ban Biên tập liên hệ khi cần. Trân trọng cảm ơn! |
Có thể bạn quan tâm