Thấy gì từ vụ thanh lý tài sản của Evergrande?

TRƯỜNG ĐẶNG 31/01/2024 04:00

Ngày 29/1, một tòa án Hong Kong (Trung Quốc) đã ra lệnh thanh lý tài sản của tập đoàn bất động sản Evergrande, sau khi tập đoàn này không đưa ra được kế hoạch tái cơ cấu khả thi.

Quyết định tuyên bố Evergrandep/phá sản được tòa án Hong Kong mới đưa ra

Evergrande vừa bị buộc phải thanh lý tài sản

Quyết định này được đưa ra sau 7 phiên điều trần giải quyết tranh chấp được chủ nợ Top Shine Global đệ trình vào tháng 6/2022. Do không có thỏa thuận tái cơ cấu khả thi nào đối với Evergrande, Thẩm phán Linda Chan cho biết không có lý do nào để trì hoãn thêm việc thanh lý tài sản của gã khổng lồ địa ốc của Trung Quốc.

>>Ngành đóng tàu "đổ thêm lửa" vào căng thẳng EU - Trung Quốc

Với việc Evergrande có khoản nợ lên tới hơn 300 tỷ USD, những tổ chức thanh lý sẽ tìm cách thu hồi càng nhiều càng tốt từ việc bán tài sản. Nhưng theo các chuyên gia, quá trình vô cùng phức tạp và dự kiến có thể mất nhiều năm.

Tòa án Tối cao Hồng Kông đã chỉ định công ty tư vấn Alvarez & Marsal (A&M) làm cơ quan thanh lý chính thức vào đầu tuần này. Bà Tiffany Wong, đại diện của A&M, cho biết yêu cầu đầu tiên của công ty sẽ là nói chuyện với ban quản lý của Evergrande về việc liệu họ có “bất kỳ đề xuất tái cơ cấu khả thi nào” hay không.

Quá trình thanh lý không dễ dàng

Giám đốc điều hành Evergrande, Xiao En nói rằng lệnh thanh lý sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động trong hoặc ngoài nước của tập đoàn và tuyên bố rằng các dự án xây dựng còn dở dang sẽ được hoàn thành.

Dù vậy, hầu hết nhà đầu tư cho biết họ không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Với quy mô và độ phức tạp của Evergrande, việc thanh lý tài sản của tập đoàn này có thể mất nhiều năm. Chỉ riêng việc thu hồi nợ đối với các chủ nợ khác nhau sẽ khác nhau, điều mà theo Lance Jiang, chuyên gia tái cơ cấu tại công ty luật Ashurst, ước tính rằng sẽ mất từ hai đến ba năm để xác định.

Thách thức thứ hai, phán quyết thanh lý được đưa ra bởi tòa án Hồng Kông nhưng phần lớn tài sản của Evergrande đều ở Trung Quốc đại lục, nơi có hệ thống tư pháp khác.

Các chuyên gia nhận định lệnh này sẽ được thực thi như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Theo thỏa thuận công nhận xuyên biên giới đạt được vào năm 2021, các nhà thanh lý Hồng Kông có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ đại lục trong việc nắm quyền kiểm soát tài sản trong nước của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ áp dụng với tòa án ở 3 thành phố của Trung Quốc: Thượng Hải, Hạ Môn hoặc Thâm Quyến. Chính quyền đại lục cũng có thể từ chối yêu cầu nếu họ cho rằng nó không phù hợp quy định. Cho đến nay, các tòa án Trung Quốc chỉ công nhận một trong năm đơn xin hủy bỏ được cấp tại tòa án Hồng Kông theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, quá trình thanh lý được cho là rất khó khăn và phức tạp

Quá trình thanh lý tài sản của Evergrande được cho là rất khó khăn và phức tạp có thể kéo dài nhiều năm

Tác động nào tới thị trường Trung Quốc và thế giới?

Một số chuyên gia cho rằng trường hợp của Evergrande sẽ là hình mẫu cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn khác từ Trung Quốc đại lục đang phải đối mặt với các kiến nghị thanh lý ở Hồng Kông.

>>Tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc, vốn ngoại chảy đi đâu?

Brock Silvers, Giám đốc điều hành Kaiyuan Capital, một công ty đầu tư cổ phần tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Việc Evergrande bị buộc phải thanh lý tài sản đã tạo tiền lệ cho các chủ nợ nước ngoài tìm cách thanh lý theo lệnh của tòa án đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, vốn có khoản nợ hơn 100 tỷ USD dự kiến sẽ đáo hạn trong năm nay”.

Tuy nhiên, sự phức tạp của Evergrande đã làm dấy lên nghi ngờ về ý nghĩa tiền lệ của nó. Kher Sheng Lee, luật sư kiêm Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Hiệp hội Quản lý Đầu tư Thay thế, cho biết: “Một số nhà thanh lý có thể giành được quyền kiểm soát một số tài sản ở nước ngoài, nhưng tác động trong nước vẫn chưa rõ ràng. Đây sẽ là một quá trình phức tạp, kéo dài nhiều năm với nhiều câu hỏi mở.”

Trong ngắn hạn, tác động trực tiếp của lệnh thanh lý được dự báo sẽ hạn chế vì thị trường tài chính đã hấp thụ sự thất bại của Evergrande.

Trái phiếu của công ty này được giao dịch thấp hơn nhiều so với mệnh giá và vốn chủ sở hữu của nó. Thậm chí cổ phiếu của công ty đã được coi là "penny" (vốn hóa nhỏ) kể từ tháng 8/2023. Sau phán quyết của tòa án Hồng Kông đối với Evergrande, cổ phiếu Evergrande niêm yết tại Hồng Kông đã giảm hơn 20% xuống còn 16 xu Hồng Kông (khoảng 2 xu Mỹ) trước khi giao dịch bị đình chỉ.

Lạc quan hơn, William Pesek, cây viết của Asia Times, cho rằng diễn biến mới nói trên của Evergrande sẽ không đe dọa tới ngành tài chính toàn cầu giống như sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008. Thay vào đó, việc thanh lý tài sản này có thể là một bước ngoặt để Bắc Kinh giải quyết cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và thực hiện cải cách cơ cấu nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?

    Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?

    04:30, 30/01/2024

  • Những thách thức chưa từng có với kinh tế Trung Quốc

    Những thách thức chưa từng có với kinh tế Trung Quốc

    03:00, 30/01/2024

  • Ấn Độ và Trung Quốc

    Ấn Độ và Trung Quốc "mở cửa" không gian cho Nam bán cầu

    03:00, 29/01/2024

  • Doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách hướng ngoại

    Doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách hướng ngoại

    03:00, 27/01/2024

  • Năng lượng sạch - trụ cột kinh tế mới của Trung Quốc

    Năng lượng sạch - trụ cột kinh tế mới của Trung Quốc

    03:00, 26/01/2024

TRƯỜNG ĐẶNG