Khát vọng doanh nhân Việt: Năng lực lãnh đạo toàn cầu
Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, để hiện thực hóa khát vọng đội ngũ doanh nhân “mới”, theo chuyên gia, cần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn cầu…
>> Nghị quyết 41-NQ/TW: Thôi thúc xã hội có góc nhìn mới về đội ngũ doanh nhân Việt Nam
Toàn cầu hoá đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với các thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp. Các phương pháp lãnh đạo cũ có thể không còn hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu. Bối cảnh mới đòi hỏi tìm ra những năng lực lãnh đạo thích hợp của doanh nhân để đáp ứng với những thay đổi đó. Và, để có một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới, có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt thì doanh nhân Việt Nam cần có những năng lực lãnh đạo toàn cầu nào để nâng cao vị thế, uy tín.
Thực tế cho thấy, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có vai trò quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong những năm gần đây, xu hướng doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng (tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam năm 2022 đạt 10,2 tỷ USD, tăng 11,7% so với năm 2021).
Điều này cho thấy, doanh nhân Việt Nam đang hướng tới đầu tư, kinh doanh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân Việt Nam chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới khi phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp; năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị của doanh nhân còn hạn chế.
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI giữ vai trò “nòng cốt”
Để phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới, một số doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, các chuyên gia cho rằng, cần xác định những năng lực lãnh đạo toàn cầu, từ đó có những giải pháp tăng cường năng lực, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.
Góp ý cho định hướng đã nêu, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Nguyễn Thị Nhung - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, đối với chính doanh nhân Việt Nam, cần nêu cao vai trò đầu tàu, dẫn dắt lãnh đạo doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Doanh nhân không chỉ là người xây dựng doanh nghiệp, mà còn là hiện thân của tổ chức, sức mạnh dân tộc. Vì vậy, cần tự ý thức việc nâng cao năng lực lãnh đạo toàn cầu là vấn đề của chính mình trong bối cảnh mới. Điều này không chỉ góp phần nâng cao vị thế doanh nghiệp, mà còn đóng góp lớn cho tổ quốc.
Tiếp đến, doanh nhân cần lan toả những phẩm chất, năng lực, kỹ năng lãnh đạo cần có cho các doanh nhân khác, luôn xác định kiến thức là yếu tố quan trọng để kinh doanh toàn cầu. Sự hiểu biết các lĩnh vực sẽ giúp doanh nhân theo kịp sự thay đổi của xã hội và để bảo vệ chính mình trên thị trường quốc tế. Doanh nhân phải xem việc học hỏi mọi lúc mọi nơi, học tập suốt đời là nhiệm vụ song hành cùng sản xuất kinh doanh, vì vậy cần tham gia các khoá đào tạo chuyên đề, hội thảo trong và ngoài nước để phát triển chính mình và phát triển doanh nghiệp.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, doanh nhân cần tìm hiểu sâu hơn về văn hoá đa quốc gia để linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài tuân thủ quy định về pháp luật, doanh nhân cần tuân thủ các quy định văn hoá kinh doanh nước sở tại. Đồng thời, cần bổ sung các kiến thức về công nghệ thông tin, ngoại ngữ; rèn luyện các kỹ năng như tư duy phản biện toàn cầu, kỹ năng làm việc nhóm… sự rèn luyện, bổ sung được học hỏi ở trường lớp, sách vở, mạng lưới đối tác và phương tiện đại chúng.
Cùng với sự nỗ lực của các doanh nhân, đối với Nhà nước, theo các chuyên gia, cần có chính sách gắn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo với phát triển doanh nhân; có những chương trình đào tạo cho doanh nhân kinh doanh toàn cầu; đưa các môn tư duy phản biện vào giảng dạy ở các trường đại học kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chương trình trợ giúp đào tạo phát triển doanh nhân. Hiện nay, mô hình năng lực lãnh đạo toàn cầu của doanh nhân Việt Nam chưa có, Nhà nước và Bộ khoa học và Công nghệ, trường đại học liên quan cần xây dựng chính sách, hướng dẫn về khung năng lực lãnh đạo toàn cầu của doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nói riêng.
Mặt khác, Nhà nước cần đổi mới cơ chế, chính sách, thiết lập khung pháp lý mới khuyến khích doanh nhân có tư duy đổi mới, ứng dụng công nghệ, đồng thời thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện số hóa. Tăng cường năng lực khoa học công nghệ quốc gia để doanh nhân có khả năng làm chủ và ứng dụng, sáng tạo tri thức khoa học công nghệ mới vào nền kinh tế và vào doanh nghiệp. Nhà nước cần phát huy vai trò các hiệp hội ngành theo hướng phát huy tinh thần chia sẻ, giúp đỡ…
“Các nhà lãnh đạo toàn cầu cần có một tập hợp các năng lực lãnh đạo toàn cầu để thực hiện hiệu quả vai trò của họ. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, năng lực lãnh đạo của doanh nhân Việt Nam cũng có sự thay đổi và cần phải thay đổi… để hướng tới một Việt Nam thịnh vượng”, các chuyên gia khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Thúc đẩy nâng cao trách nhiệm xã hội
20:56, 04/02/2024
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần đồng bộ… giải pháp
20:49, 04/02/2024
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần có giải pháp bồi dưỡng đạo đức phù hợp
20:41, 04/02/2024
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc
20:33, 04/02/2024
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế
20:26, 04/02/2024