Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ sụt giảm lợi nhuận vì xung đột Biển Đỏ

CẨM ANH 08/02/2024 03:00

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang chủ động tính lại "bài toán" vận chuyển khi xung đột tại Biển Đỏ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa.

>> Doanh nghiệp ứng phó với chi phí vận tải tăng cao từ khủng hoảng Biển Đỏ

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang theo dõi sát căng thẳng tại Biển Đỏ

Các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ của lực lượng Houthi đã buộc nhiều công ty phải trả mức phí bảo hiểm cao hơn hoặc định tuyến lại hàng hóa quanh khu vực châu Phi, làm tăng thêm chi phí. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp và cuối cùng đẩy giá cả tăng cao.

Nhiều giám đốc điều hành của các công ty vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez cho biết tác động của xung đột này cho đến nay vẫn còn hạn chế, một phần là do họ đã rút ra bài học từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nghiêm trọng hơn trong thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19.

Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, nơi xử lý khoảng 12% thương mại toàn cầu, đã buộc các doanh nghiệp phải đưa ra những quyết định khó khăn ngay trong những tháng đầu năm 2024. Theo công ty phân tích Xeneta, giá cước vận tải hàng hải đã tăng vọt kể từ giữa tháng 12/2023, tăng hơn gấp ba lần trên tuyến từ châu Á đến châu Âu và tăng hơn gấp đôi giữa châu Á và Bờ Đông Hoa Kỳ.

Hiện tại, các nhà phân tích tại Goldman Sachs lưu ý rằng vận chuyển chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí của sản phẩm. Họ ước tính rằng sự gián đoạn sẽ chỉ làm tăng thêm 1/10 điểm phần trăm vào tỷ lệ lạm phát toàn cầu trong năm nay.

Tuy nhiên, đây vẫn là mối lo ngại đối với các nhà phân tích và nhà đầu tư, đặc biệt các doanh nghệp châu Âu sẽ cảm nhận được điều đó đầu tiên. Bởi Biển Đỏ là tuyến đường đặc biệt quan trọng đối với các công ty vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu. Những hàng hóa đó giờ đây có chi phí vận chuyển cao hơn và mất nhiều thời gian hơn để đến nơi.

Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong khu vực châu Âu khi sự gián đoạn khiến Tesla và Volvo phải tạm dừng sản xuất ở châu Âu. Theo Kenny Wilson, Giám đốc điều hành hãng đóng giày của Anh, họ phải đối mặt với sự chậm trễ ở châu Âu nhưng hầu như không cảm thấy có tác động gì ở châu Á hoặc Hoa Kỳ. Theo S&P Global, các doanh nghiệp ở Anh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do hoạt động giao hàng chậm trễ đáng kể trong tháng 1.

>> Nguy cơ tái bùng phát lạm phát từ "chảo lửa" Biển Đỏ

Cước vận tải qua khu vực biển Đỏ đã tăng cao trong thời gian đây do khủng hoảng tại khu vực biển Đỏ

Cước vận tải qua khu vực biển Đỏ đã tăng cao trong thời gian đây do khủng hoảng tại khu vực Biển Đỏ

Ông Wilson nói thêm với các nhà phân tích: “Rõ ràng các doanh nghiệp cần phải tính đến phương án dự phòng cho những tác động lan rộng trong năm tới nếu các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra”.

Tương tự, Chuck Boynton, Giám đốc tài chính của Logitech, nhà sản xuất bàn phím máy tính, chuột và các phụ kiện khác của Thụy Sĩ, cho biết công ty sẽ vận chuyển các sản phẩm được sản xuất tại châu Á bằng đường hàng không thay vì đường biển.

"Mặc dù điều đó đắt hơn và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng vẫn tốt hơn là thiếu hàng tồn kho. Chúng tôi sẽ giảm một ít lợi nhuận để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng”, ông nói thêm.

Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ không phụ thuộc nhiều vào tuyến đường qua Biển Đỏ. Tuy nhiên, các công ty và người tiêu dùng Hoa Kỳ vẫn phải đối mặt với sự gia tăng chung về giá cước vận chuyển toàn cầu.

Không phải tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng như nhau. Các nhà phân tích tại Bank of America cho biết các nhà bán lẻ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng, trong đó các công ty như Target và Dollar Tree phải đối mặt với nguy cơ bị giảm lợi nhuận cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính vì họ mua nhiều sản phẩm hơn từ châu Á.

Ông Brian T. Olsavsky, Giám đốc tài chính của Amazon, cho biết sự gián đoạn vẫn chưa có tác động đáng kể đến dự báo lợi nhuận của gã khổng lồ thương mại điện tử này trong quý hiện tại. Ông nói với New York Times: “Chúng tôi vẫn cảnh giác về điều đó và chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo rằng trải nghiệm của khách hàng không bị ảnh hưởng”.

Đồng quan điểm, theo Bill Shea, Giám đốc tài chính của 1-800-Fflowers, các doanh nghiệp sẽ không bắt đầu cảm nhận được tác động trừ khi tình trạng gián đoạn tiếp tục kéo dài sang mùa hè. Điều chưa biết là các vấn đề ở Biển Đỏ sẽ tồn tại trong bao lâu và liệu điều đó có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán trong tương lai cũng như kỳ nghỉ lễ năm tới hay không.

Có thể bạn quan tâm

  • Biển Đỏ

    Biển Đỏ "rực lửa": Ba kịch bản tương lai

    02:30, 07/02/2024

  • Biển Đỏ “rực lửa”: Nguy cơ lạm phát

    Biển Đỏ “rực lửa”: Nguy cơ lạm phát "đè nặng" doanh nghiệp

    03:30, 24/01/2024

  • Biển Đỏ “dậy sóng”: Nguy cơ “phân mảnh” kinh tế thế giới

    Biển Đỏ “dậy sóng”: Nguy cơ “phân mảnh” kinh tế thế giới

    14:40, 23/01/2024

  • Nguy cơ tái bùng phát lạm phát từ

    Nguy cơ tái bùng phát lạm phát từ "chảo lửa" Biển Đỏ

    04:00, 02/01/2024

  • Biển Đỏ chìm trong

    Biển Đỏ chìm trong "chảo lửa", chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa

    03:30, 31/12/2023

CẨM ANH