Đô thị hạnh phúc
Thế giới hôm nay đang hướng đến đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị hạnh phúc.
Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) cũng đã từng chọn chủ đề “Đô thị lành mạnh- Đô thị hạnh phúc” cho Ngày Kiến trúc Thế giới hằng năm.
>>> DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG: Truyền cảm hứng, thắp lửa niềm tin
Các nhà đô thị học dự báo, thế kỷ XXI là thế kỷ của đô thị, với hầu hết dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị, và đó cũng là tương lai của nhân loại. Việt Nam không ngoại lệ.
Giá trị nhân văn
Một đô thị hạnh phúc là đô thị mà ở đó, người dân được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, được các dịch vụ công phục vụ, có việc làm ổn định và thu nhập tốt, nhà ở giá rẻ, phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, có không gian xanh, có cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, với cộng đồng, an toàn và không bạo lực.
Đô thị hạnh phúc không nhất thiết phải thật to lớn, hoành tráng, kiến trúc thật hiện đại với nhiều cái nhất như to nhất, cao nhất và cả đầu tư lớn nhất (mà đâu đó đang hướng tới). Sẽ có (trong tương lai) những đô thị hạnh phúc kiểu Việt Nam, nhưng ở nhiều cấp độ và khía cạnh khác nhau. Đừng quá tham vọng để đưa đô thị Việt Nam sống tốt dập khuôn theo các khuôn mẫu của đô thị thế giới, bởi tính vận động liên tục của đô thị. Chúng ta cần tìm ra những giải pháp thích hợp để xây dựng, phát triển một cuộc sống tốt ở đô thị theo nhu cầu, khả năng và phù hợp với điều kiện kinh tế, lối sống, văn hóa của đất nước mình, dân tộc mình.
>>> Dự án đáng sống - hành trình tìm về nơi chốn
Đô thị là một cơ thể sống. Nó sinh ra, phát triển và cũng có giai đoạn tàn lụi. Cho nên, muốn đô thị phát triển bền vững và luôn giữ được sức sống, phải có bàn tay chăm sóc của con người (người sử dụng, kiến trúc sư và người quản lý). Cần coi trọng cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, nơi lưu dấu các thời kỳ phát triển của đô thị. Bởi đây chính là những yếu tố tạo nên giá trị nhân văn và văn hóa mang bản sắc riêng của đô thị. Có sự khác nhau giữa đô thị Việt Nam và đô thị trên thế giới. Nhưng có một điểm chung, nếu đô thị sống không có hạnh phúc, thì đô thị thực sự trở thành cái nhà tù mà con người tự nguyện nhốt mình vào trong đó.
Bản sắc văn hoá
Văn hóa đô thị luôn là các giá trị vô hình, nhưng có ảnh hưởng rất mạnh đến cá tính, chất lượng sống và hình ảnh đô thị. Phải hiểu để giữ gìn và phát triển văn hóa đó. Chúng ta không chấp nhận một đô thị phát triển xô bồ, hỗn loạn phá vỡ quy hoạch, bất chấp quy định của pháp luật. Nhưng chúng ta cũng không chấp nhận một đô thị dập khuôn cứng nhắc, ngoại lai. Với Việt Nam, văn hóa làng đã có hàng nghìn năm, trong khi văn hóa đô thị mới có hơn 100 năm. Do vậy, khi văn hóa đô thị còn mong manh, thì văn hóa làng sẽ lấn lướt, mà biểu hiện rõ nét nhất là lối sống “trọng tình hơn lý” và cung cách quản lý đô thị tùy hứng, thậm chí còn theo kiểu “phép vua thua lệ làng”.
Để đô thị sống tốt, trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải xây dựng được lối sống, văn hóa, văn minh đô thị với sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó có kiến trúc sư, và sự dẫn dắt của chính quyền đô thị. Thành công của các Dự án đáng sống vài năm gần đây được xã hội đón nhận là minh chứng sinh động. Cũng nên bớt tranh cãi về xu hướng này nọ của kiến trúc đô thị. Bởi nghĩ cho cùng ở khía cạnh nào đó, kiến trúc cũng mang tính thời trang. Cần quan tâm, kiến trúc đó có góp phần nâng cao giá trị văn hóa và thẩm mỹ đô thị; có vi phạm quản lý quy hoạch xây dựng; có bền vững, an toàn; có đem lại thuận tiện và tiện nghi, hay bất ổn cho cá nhân và cộng đồng khi sử dụng nó.
Đô thị luôn gắn với con người, do vậy nó phải rất nhân văn. Đô thị không nhất thiết phải là một chỉnh thể ngăn nắp, tinh tươm như cỗ máy được lập trình. Đô thị luôn chứa đựng những mặt tốt và cả những yếu kém cần khắc phục, cải tạo. Kiến trúc sư như một nhà phẫu thuật thẩm mỹ làm cho cơ thể đô thị hoàn chỉnh hơn, nhưng không được tác động một cách thô bạo làm mất đi bản sắc đô thị, nếu không đô thị sẽ trở thành một cơ thể bệnh hoạn. Cũng tránh tư tưởng vội vàng đốt cháy giai đoạn, cần có kế hoạch và thời gian tuyên truyền để người dân hiểu rõ và tự giác chung tay xây dựng văn hóa, văn minh đô thị.
Văn hóa đô thị không tự đến. Văn hóa đô thị được hình thành bởi lối sống thích nghi với thiết chế đô thị, chứ không phải là thiết chế làng xã. Văn hóa đô thị phải được xây dựng trên nền tảng của di sản văn hóa và cuộc sống hiện đại. Các nhà quản lý đô thị trước tiên phải là những người hiểu biết văn hóa đô thị, để thể hiện có trách nhiệm vai trò quản trị xã hội của mình.
Và “Đô thị Hạnh phúc” chính là mục tiêu chúng ta hướng tới!
Có thể bạn quan tâm
DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG: Truyền cảm hứng, thắp lửa niềm tin
05:00, 01/01/2024
The Ori Garden khẳng định vị thế của danh hiệu “Dự án đáng sống 2023”
15:21, 08/12/2023
Dự án đáng sống - hành trình tìm về nơi chốn
05:00, 05/11/2023
Dự án đáng sống - Lan toả những giá trị tốt đẹp
11:00, 01/10/2023
Chung cư The Nine 2 năm liên tiếp được vinh danh Dự án đáng sống
10:42, 26/09/2023