Trung Quốc chật vật biến tiêu dùng thành động lực tăng trưởng

TRƯỜNG ĐẶNG 09/02/2024 03:20

Trung Quốc đã đề ra mục tiêu đưa tiêu dùng nội địa thành một trụ cột tăng trưởng GDP từ năm 2004, nhưng sau 20 năm, kết quả vẫn chưa tương xứng kỳ vọng.

Chi tiêu nội địa vẫn sẽ là một thách thức trong việc trở thành một động lực tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc

Chi tiêu nội địa vẫn sẽ là một thách thức trong việc trở thành động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc

Trung Quốc đang thiếu các động lực tăng trưởng đáng tin cậy. Bất động sản đã rơi vào khủng hoảng. Cơn sốt cơ sở hạ tầng cũng hạ nhiệt khi nhiều chính quyền địa phương mắc nợ và cạn vốn. Động lực xuất khẩu hàng hóa ngày càng khó khăn hơn trước nhu cầu toàn cầu suy yếu và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở các nước phương Tây.

>>Ngành đóng tàu "đổ thêm lửa" vào căng thẳng EU - Trung Quốc

Trụ cột tăng trưởng khả thi còn lại

Trung Quốc đang đặt kỳ vọng lớn dựa vào nguồn tăng trưởng còn lại - thúc đẩy chi tiêu của 1,4 tỷ người dân. Thủ tướng Trung Quốc từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa qua ở Davos rằng “thị trường Trung Quốc, với không gian rộng lớn và chiều sâu ngày càng tăng, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tổng cầu toàn cầu”.

Định hướng này hoàn toàn hợp lý nhưng khó khăn. Người tiêu dùng Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm cao, nhưng họ thường thích làm điều đó hơn là chi tiêu. Theo Statista, năm 2022 tiêu dùng nội địa nước này chiếm khoảng 53% GDP, so với trên 80% của Mỹ hay Anh, hay 72% trung bình của thế giới. The Economist chỉ ra trong thước đo này, Trung Quốc chỉ đứng thứ 156 trên 168 quốc gia.

Năm 2023 đã cho thấy một số sự phục hồi khi các hạn chế trong thời kỳ đại dịch kết thúc, khiến tiêu dùng chiếm hơn 80% mức tăng trưởng, tỷ trọng lớn nhất kể từ năm 1999. Tuy nhiên, triển vọng thay đổi về mặt bản chất dường như chưa rõ ràng, theo các nhà phân tích.

Đầu tiên, tâm lý của công chúng Trung Quốc không hề vững chắc. Sự hỗn loạn trên thị trường bất động sản đã làm tổn hại đến thu nhập, tài sản và tinh thần của người dân Trung Quốc. Tâm trạng này được phản ánh trong các dự báo, khi IMF dự kiến tăng trưởng tiêu dùng sẽ chậm lại trong năm 2024.

Ngay cả khi Trung Quốc thoát khỏi tình trạng giảm phát trong năm nay, việc này cũng rất khó khăn. Theo các phân tích, mức tiêu dùng sẽ cần tăng thêm khoảng 10 điểm phần trăm GDP. The Economist đã xem xét kinh nghiệm của 181 nền kinh tế kể từ năm 1960 và nhận thấy chỉ có 11% trường hợp có mức tiêu thụ tăng hơn 10 điểm phần trăm trong khoảng thời gian một thập kỷ. Đáng nói, một số trường hợp như Albania những năm 1990 hay Đài Loan năm 1986 lại không bền vững.

Thực tế chỉ ra khó khăn trong việc chuyển đổi của Trung Quốc. Tiêu dùng trong nước đã được nhắc tới như một động lực tăng trưởng kể từ các hội nghị quan trọng cuối năm 2004. Khi đó, tỷ trọng của nó trong GDP Trung Quốc là khoảng 55%, vẫn tương đương mức hiện tại.

>>Những thách thức chưa từng có với kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc cần "đòn bẩy" phù hợp

Dù vậy, Trung Quốc buộc phải sớm tìm ra giải pháp. Theo các chuyên gia, một lựa chọn là thúc đẩy một nền văn hóa tiêu dùng mới.

Phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc tại WEF 2024 đã hàm ý về việc mở rộng mua các mặt hàng có giá trị lớn, chẳng hạn như xe điện, cũng như các sản phẩm thích hợp bao gồm nhà thông minh, vé tham dự các sự kiện thể thao và hàng hóa sang trọng của Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền nước này có thể đang cân nhắc các biện pháp kích thích tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ ngắn hạn cho các hộ gia đình.

Khi tâm lý thị trường bất an và thiếu tài chính bền vững, người dân Trung Quốc sẽ khó lòng mở rộng hầu bao

Khi tâm lý thị trường bất an và thiếu đảm bảo tài chính bền vững, người dân Trung Quốc sẽ khó lòng mở rộng hầu bao

Nhưng theo các chuyên gia, đòn bẩy bền vững nhất phải là làm cho người dân cảm thấy an toàn hơn về mặt tài chính, để họ tiết kiệm ít hơn và chi tiêu nhiều hơn. Ngoài giới trẻ và tầng lớp trung lưu, chính quyền Trung Quốc cũng có thể nâng tỷ trọng tiêu dùng trong GDP nhờ nhóm người lao động về hưu khi quá trình già hóa của nước này đang tăng nhanh. Vậy nhưng, điều đó đồng nghĩa với yêu cầu mở rộng hơn nữa việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lương hưu của Trung Quốc. 

Văn hóa Trung Quốc, cũng như các quốc gia Á Đông, vẫn đặt nặng vấn đề con cái chăm sóc bố mẹ khi về già, khiến các vấn đề an sinh xã hội chưa giải quyết được của Trung Quốc vẫn sẽ là lực cản nhân khẩu học khác đe dọa tới chi tiêu trong nước.

Ngoài ra, thách thức từ hệ thống quản lý dân cư cũng không hề nhỏ. Với quy định hộ khẩu của Trung Quốc, những người lao động xa nhà gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận trường học, bệnh viện hoặc lương hưu ở những thành phố nơi họ kiếm sống. 

Chuyên gia Cai Fang thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng cấp hộ khẩu cho người lao động nhập cư ở thành thị có thể tăng mức tiêu dùng của họ lên tới 30%, mặc dù có những tranh cãi về con số này. Nhưng nếu một người lao động được đảm bảo đầy đủ tiện ích ở nơi họ sinh sống và làm việc, dễ có khả năng họ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các vật dụng khác. 

Tuy nhiên, cho tới nay, các nhà phân tích nhận định cải cách hệ thống quản lý dân cư của Trung Quốc vẫn còn rất ít ỏi, khiến nước này có thể bỏ lỡ một nguồn lực chi tiêu lớn trong nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi như kỳ vọng?

    Kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi như kỳ vọng?

    03:00, 06/02/2024

  • Xe điện Trung Quốc gặp

    Xe điện Trung Quốc gặp "cơn gió ngược"

    03:00, 04/02/2024

  • Trung Quốc sẽ hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo của ASEAN?

    Trung Quốc sẽ hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo của ASEAN?

    03:00, 03/02/2024

  • Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang quay trở lại?

    Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang quay trở lại?

    03:00, 01/02/2024

  • Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?

    Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?

    04:30, 30/01/2024

TRƯỜNG ĐẶNG