Quy định chống phá rừng (EUDR): Bài 1 – Rào cản mới của doanh nghiệp
Từ tháng 01/2025 doanh nghiệp xuất khẩu 7 nhóm mặt hàng gồm (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao, và đậu) vào EU phải chứng minh các điều kiện không gây mất rừng.
>>Nghệ An: Doanh nghiệp lấn chiếm hàng chục ha đất để trồng cao su?
Rào cản thương mại
Ngày 23/6/2023, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Quy định này được áp dụng vào tháng 01/2025, theo đó sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.
Để đáp ứng được các tiêu chí của quy định EUDR, tôi cho rằng khối doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường lớn cần hoàn thiện thủ tục, quy trình, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ngay từ năm 2024. Đặc biệt là ba ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam thuộc trong 7 nhóm mặt hàng nằm trong phạm vi của Quy định này bị ảnh hưởng. Qua trao đổi, quan sát từ các hiệp hội và doanh nghiệp trong các ngành hàng trên, tôi đánh giá rằng các doanh nghiệp tiếp cận quy định mới với tâm thế khá tích cực. Theo đó, bên cạnh các thách thức phải giải quyết trong việc đáp ứng yêu cầu của EU thì các hiệp hội và doanh nghiệp đồng thuận rằng Quy định này cũng là cơ hội để cùng các bên liên quan thực hiện tái cơ cấu ngành hàng theo hướng minh bạch, có trách nhiệm, bền vững và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc thực hiện các quy định này là có thể và dựa trên những nền tảng cơ sở nhất định. Cụ thể, các vùng trồng nguyên liệu như cây cà phê đã hình thành và ổn định từ trước đó khá lâu so với mốc thời gian 31/12/2020. Trong đó có gỗ và cao su là 2 ngành hàng đã tham gia Hiệp định VPA/FLEGT với EU, cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp và không gây mất rừng. Đặc biệt Việt Nam đã dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên từ năm 2014 và có những quy định về chuyển đổi đất rừng từ 2017.
Tuy nhiên còn một số khó khăn trước mắt mà các doanh nghiệp gặp phải bao gồm: (1) khó khăn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại vườn trồng bởi vì hầu hết các sản phẩm được sản xuất từ các hộ nông dân với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, diện tích chỉ dưới 0,5 ha/hộ. Mà thực tế với hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng cao su theo hình thức tiêu điền và cung cấp gỗ cho các nhà máy gỗ thì việc phân định ranh giới giữa các hộ với nhau còn rất nhiều khó khăn và có đến khoảng 1/3 số hộ nông dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất mình đang sử dụng; (2) chuỗi cung ứng của các ngành hàng đều khá dài và phức tạp, nhiều khâu trung gian với liên kết lỏng lẻo, nhiều nông hộ tham gia sản xuất và ở quy mô nhỏ; và (3) từ hai thách thức nêu trên dẫn đến áp lực về chi phí, thực tế, chi phí đầu tư công nghệ để sản xuất đạt chuẩn vào châu Âu đã cao, giờ phải đầu tư thêm chi phí để việc đáp ứng các quy định này sẽ tạo nên gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Với những chia sẻ của doanh nghiệp thì thách thức là không ít, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn buộc đáp ứng các tiêu chí, nếu không cũng không thể xuất bán hàng sang thị trường châu Âu, đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này không chỉ gây thiệt thòi đối với các tác nhân dọc theo chuỗi cung ứng ngành hàng mà sẽ khiến cả doanh nghiệp và ngành hàng đó bị mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường vì các nhà nhập khẩu sẽ chọn các nhà cung ứng khác đáp ứng các tiêu chuẩn này. Thêm vào đó, EUDR nêu rõ sẽ phân loại quốc gia hoặc vùng sản xuất cung cấp sản phẩm cho EU theo các nhóm “rủi ro cao”, “rủi ro trung bình” hay “rủi ro thấp” dựa trên các tiêu chí và bằng chứng mà EU thu thập được. Nếu các ngành hàng và doanh nghiệp không tuân thủ và vi phạm các quy định thì Việt Nam sẽ ở vị thế bất lợi nếu EU lấy mặt hàng có độ rủi ro về mất rừng cao nhất để làm cơ sở phân loại rủi ro quốc gia/vùng sản xuất. Các mặt hàng có mức độ rủi ro thấp nhưng thuộc phạm vi vùng/quốc gia với một mặt hàng có rủi ro cao thì cũng đối mặt với nguy cơ bị EU coi là mặt hàng có độ rủi ro cao. Khi đó, mức độ giám sát của EU đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng chặt chẽ. Việc tuân thủ các quy định không chỉ đáp ứng các yêu cầu hiện tại mà còn là tiền đề cho việc đáp ứng các yêu cầu cao hơn liên quan đến giảm phát thải, công bằng xã hội với người trồng café và của nhiều quốc gia hơn trong tương lai.
Chuẩn bị kế hoạch hành động
Để đáp ứng với các tiêu chí đưa ra từ EU về EUDR thì doanh nghiệp cần thỏa mãn các điều kiện để chứng minh không gây ảnh hưởng vào nguy cơ mất rừng. Cụ thể các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào EU chỉ được phép lưu thông nếu đáp ứng ba điều kiện. Thứ nhất, sản phẩm nhập khẩu là hợp pháp. Hợp pháp ở đây có nghĩa các hoạt động sản xuất, chế biến, vận chuyển… diễn ra tại quốc gia sản xuất… đáp ứng được toàn bộ các yêu cầu luật pháp tại quốc gia này. Thứ hai, quá trình sản xuất sản phẩm không gây mất rừng, với mốc thời gian mất rừng tính từ ngày 31/12/2020.
Thứ ba, doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này vào EU phải thu thập thông tin về chuỗi cung và dựa trên thông tin đó đánh giá rủi ro về các khía cạnh tuân thủ pháp luật của quốc gia sản xuất và về mất rừng, từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Thông tin về chuỗi cung ứng, về đánh giá rủi ro và đặc biệt các biện pháp giảm thiểu rủi ro cần được doanh nghiệp công bố trong Cam kết thẩm định chuỗi cung ứng (Due Diligence Statement).
Vì thế, các doanh nghiệp của Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu phải đáp ứng đầy đủ các thông tin trên để cung cấp cho đối tác nhập khẩu hàng hóa của mình. Trong đó, liên quan đến điều kiện số 2, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa tới tận vị trí địa lý của mảnh đất nơi sản xuất ra sản phẩm cùng với các bằng chứng chứng minh hoạt động sản xuất không gây ra mất rừng trên các diện tích này. Theo Điều 2 của EUDR, định nghĩa “vị trí địa lý” (geolocation) của một thửa đất trồng trọt như sau: nếu nhỏ hơn 4 ha cần xác định tọa độ điểm; nếu diện tích trên 4 ha, cần phải cung cấp tọa độ địa lý của các điểm thuộc đường đa giác (polygon) mô tả ranh giới thực tế của thửa đất.
Do đó, trước những tiêu chí khắt khe này, Việt Nam đã có Khung kế hoạch hành động cụ thể để thích ứng với EUDR. Đơn cử như, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã nhanh chóng xây dựng Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR và có văn bản số 5179/BNN-HTQT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW cùng đồng hành, bổ sung kế hoạch hoạt động của địa phương thích ứng với EUDR. Đây là hành động rất khẩn trương, trách nhiệm, nghiêm túc và kịp thời từ phía cơ quan quản lý cấp Bộ. Trong đó có một số nội dung trọng tâm gồm:
Thứ nhất, giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, đặc biệt là cà phê.
Thứ hai, giao các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để (i) xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng, (ii) rà soát, thống nhất, chia sẻ, cập nhật và số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng và điều tra bổ sung đối với các vườn chưa có trên bản đồ địa chính; (iii) xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng, thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững…, (iv) xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, (v) xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện việc chia sẻ và phản hồi thông tin với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào EU, (vi) hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt người dân tộc ở khu xen kẽ rừng và tiếp giáp rừng để đáp ứng quy định EUDR, (vii) Tuyên truyền phổ biến quy định EUDR, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng,…
Thứ ba, thành lập hoặc kiện toàn Nhóm Công tác công tư cấp tỉnh; triển khai các hoạt động hợp tác công tư; thực hiện các hoạt động và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; phối hợp với Nhóm công tác chung và nhóm công tác các ngành hàng ở Trung ương; xây dựng các chương trình, dự án để kêu gọi đầu tư công, tư và tài trợ quốc tế để triển khai thực hiện các hoạt động trên.
Thứ tư, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ thích ứng với EUDR.
Bài 2 - Khuyến nghị về chính sách
Có thể bạn quan tâm
Nhiều gỗ rừng bị đốn hạ vô tội vạ ở Nghệ An (Kỳ I): Ngang nhiên chặt phá rừng tự nhiên
03:10, 18/11/2022
Rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hoá để nâng cao sức cạnh tranh kinh tế
11:00, 03/09/2023
Câu chuyện thị trường (Kỳ IV): Góc nhìn từ doanh nghiệp
22:40, 07/02/2024
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật
21:15, 18/05/2022
Kon Tum: Chủ tịch tỉnh chỉ đạo khẩn vụ phá rừng
12:30, 13/03/2022
Lâm Đồng: Điều tra dự án nghi phá rừng
00:06, 09/01/2022