Sau khi thông tin phá rừng ở tiểu khu 486 và các vùng ven Măng Đen được Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có công điện khẩn chỉ đạo về vấn đề trên.
>>Kon Tum: Lâm tặc lấy hàng chục khối gỗ trong rừng phòng hộ ở Măng Đen
Công điện khẩn số 02 gửi Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND huyện Kon Plông yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Trong công điện nêu rõ, thời gian qua, trên địa bàn huyện Kon Plông tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái quy định của pháp luật diễn biến ngày càng phức tạp, thường xuyên xảy ra các vụ chặt phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển gỗ trái phép…
Gần đây nhất các đối tượng đã cưa hạ khoảng 26 gốc cây với tổng khối lượng hơn 36m3 tại lô 2, lô 3, khoảnh 11, Tiểu khu 486, thuộc lâm phần do UBND thị trấn Măng Đen quản lý. Chủ tịch tỉnh đưa ra yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, làm rõ các đối tượng khai thác gỗ trái phép, số lượng gỗ khai thác trái phép đã vận chuyển khỏi hiện trường tại lô 2, lô 3, khoảnh 11, tiểu khu 486, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông có trách nhiệm chỉ đạo Công an huyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định, lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Khi đang du lịch ở Măng Đen và theo dõi về tình trạng phá rừng ở đây, anh Đặng Công Linh một du khách ở Sài Gòn lên cho hay: “Nếu Măng Đen không có biện pháp sớm giữ rừng thì Măng Đen chỉ còn là cái tên, và khí hậu trong mát quanh năm sẽ mất đi. Mất đi cái tuyệt vời nhất thì Măng Đen cũng không thể kéo du khách đến với mình được”.
Hiện nay khu vực thị trấn Măng Đen và các xã lân cận đang trở thành điểm đến lý tưởng của các dự án đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao. Tại đây, khí hậu mát mẻ quanh năm và được ví như một “Đà Lạt 2” đang hút khách du lịch đến đây mỗi ngày một đông. Tuy nhiên, việc liên tục để mất rừng đang là thách thức đối với Kon Plong trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm