“Xanh hoá” canh tác lúa, Lộc Trời có thể tạo ra 10 triệu tín chỉ carbon
Không chỉ giảm thiệt hại môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất xanh còn giúp Lộc Trời có thể cung ứng cho thị trường khoảng 10 triệu tín chỉ carbon mỗi năm
>>>Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Thí điểm cơ chế chi trả tín chỉ carbon
Sản xuất xanh để giữ đất canh tác lâu dài
Trong quá trình sản xuất, mỗi doanh nghiệp đều có thể để lại dấu chân carbon - tổng lượng khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ… công nghiệp. Với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, dấu chân carbon càng là vấn đề nghiêm trọng. Dự báo năm 2030, Việt Nam có thể tạo ra 120 triệu tấn khí thải carbon, trong đó trồng lúa chiếm một nửa lượng khí thải.
Với nhận thức, nếu không hành động, chỉ trong thời gian ngắn nữa, doanh nghiệp không có đất để canh tác, trồng trọt, từ năm 2016, Lộc Trời đã bắt đầu nghiên cứu chương trình trồng lúa carbon thấp. Chương trình này được áp dụng trên đồng ruộng vào năm 2019.
Ông Nguyễn Duy Thuận - CEO của tập đoàn Lộc Trời cho biết: sứ mệnh của doanh nghiệp cũng như người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long là hành động, đóng góp giảm phát thải nhà kính của Việt Nam.
Lộc Trời đang triển khai trồng lúa trên 2 triệu ha và hợp tác với 1 triệu hộ nông dân. Để giảm phát thải khí nhà kính, theo CEO Nguyễn Duy Thuận, doanh nghiệp dựa vào 3 hoạt động chính là cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh.
Trong đó, về sinh học, Lộc Trời đưa ra cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cân bằng được 3 yếu tố hóa học, sinh học và hữu cơ trong bộ sản phẩm chăm sóc mùa vụ. Về áp dụng kinh tế tuần hoàn, sau khi thu hoạch lúa có thể tạo ra nguyên liệu tro trấu từ rơm, là đầu vào cho hoạt động sản xuất các sản phẩm hạt nhựa sinh học, hoặc trộn xi măng làm thành nguyên liệu nhẹ cho các nhà cao tầng.
Về phát triển xanh, công ty tập trung nhiều hoạt động giảm khí thải nhà kính. Đặc biệt là giảm nitơ và metan - các loại khí thường phát sinh trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp lớn vào việc tạo ra khí thải nhà kính. Để có nguồn lực phát triển xanh, Lộc Trời vay ngân hàng cung cấp miễn phí nông dân nguyên liệu vừa đủ để không sài quá liều thay vì để nông dân tự mua, tự dùng theo thói quen cũ.
Hướng tới cung ứng 10 triệu tín chỉ carbon
Đầu tư sớm cho phát triển bền vững, chỉ sau 1 năm áp dụng trồng lúa carbon thấp, trong các năm liên tiếp từ 2020 - 2022, Lộc Trời đứng đầu thế giới về sản xuất xanh, phát thải carbon thấp. Không chỉ đạt mục tiêu đề ra là giảm thiệt hại môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, CEO Nguyễn Duy Thuận chia sẻ, sản xuất xanh còn giúp Lộc Trời có thể cung ứng cho thị trường khoảng 10 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Với mức giá ước tính 5 USD/tín chỉ, doanh nghiệp có thể mang về 50 triệu USD từ doanh thu.
Trao đổi về bước ngoặt lớn này, CEO Nguyễn Duy Thuận cho biết thêm: Các hoạt động trên của Lộc Trời đều dựa vào nghiên cứu khoa học, mời gọi sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng địa phương, nhất là các tổ chức tài chính. Quan trọng hơn, cần tạo ra cơ chế chia sẻ lợi ích này cho nông dân - những người trực tiếp tạo ra phát triển xanh cho đồng ruộng, đảm bảo bà con nông dân là những người đầu tiên nhận được lợi ích tài chính từ hoạt động của Lộc Trời.
Ngược lại, với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, doanh nghiệp triển khai mô hình: văn phòng không giấy, sản xuất không tiền mặt, nhất là đồng ruộng không dấu chân gắn với ứng dụng đồng bộ cơ giới hoá từ đầu vụ đến cuối vụ giúp người nông dân giảm nguy cơ phơi nhiễm hóa chất. Chẳng hạn, khi dùng phương tiện bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật thay cho phun tay như trước đây giúp tăng năng suất lao động từ 15-30%, giảm giá thành, rút ngắn thời gian cũng như hạn chế lượng nước từ 300 lít/ha/lần phun xuống chỉ còn 17 lít so với cách truyền thống phun thuốc bằng bình đeo vai.
Đại diện Lộc Trời nhấn mạnh, để chương trình trồng lúa phát thải thấp đạt hiệu quả, mấu chốt là tạo động lực để người nông dân thay đổi thói quen canh tác. Bên cạnh việc cung cấp vật tư đầu vào miễn phí, doanh nghiệp còn có các cơ chế, chương trình khích lệ người nông dân giảm lượng rác thải ra môi trường như tặng vàng cho những nông hộ thu rác bao bì nhiều nhất, tổ chức hoạt động trúng thưởng, thi đua giữa nông dân với nhau,…
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon
02:30, 24/12/2023
Nguồn lực xanh từ giao dịch tín chỉ carbon
03:32, 22/10/2023
Cơ hội kinh doanh tín chỉ carbon
02:30, 07/07/2023
Đổi mới tư duy phát triển liên kết vùng và thúc đẩy thị trường kinh doanh tín chỉ carbon
10:12, 02/06/2022
Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam: Các doanh nghiệp phản ứng ra sao?
05:30, 11/04/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025
20:10, 10/01/2022