Trung Quốc toan tính gì khi tăng cường đầu tư vào châu Phi?
Việc các quốc gia nỗ lực củng cố nguồn cung khoáng sản đang khiến các quốc gia giàu tài nguyên trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Dẫn đầu nỗ lực này là Trung Quốc.
>> Động lực tăng trưởng mới cho kinh tế châu Phi
Các nước châu Phi có thỏa thuận hợp tác BRI với Trung Quốc đã chứng kiến các hợp đồng xây dựng của Trung Quốc tăng 47% và đầu tư tăng 114% vào năm ngoái so với năm 2022, theo báo cáo của Viện Griffith Châu Á tại Đại học Griffith ở Brisbane, Australia. Điều này giúp Châu Phi trở thành khu vực nhận được sự quan tâm đầu tư lớn nhất của Trung Quốc với 21,7 tỷ USD, vượt qua các nước Trung Đông với mức đầu tư 15,8 tỷ USD và các quốc gia ở Đông Á với 6,8 tỷ USD.
Các nhà quan sát kỳ vọng xu hướng đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi sẽ tiếp tục tăng, mặc dù có khả năng sẽ không đạt được mức như một thập kỷ trước.
Giáo sư Christoph Nedopil Wang, Giám đốc Viện Griffith Châu Á cho biết, Trung Quốc tăng đầu tư theo sáng kiến BRI vào châu Phi trong lĩnh vực kim loại và khai thác mỏ, chẳng hạn như ở Botswana, doanh nghiệp MMG Ltd của Trung Quốc, do China Minmetals Corp kiểm soát, đã mua lại mỏ đồng Khoemacau tại quốc gia này với giá 1,88 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái.
Các quốc gia châu Phi giàu tài nguyên khác bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Namibia, Zimbabwe và Mali đều đã chứng kiến sự tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là các nguyên liệu thô như coban và lithium- những nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin xe điện.
Ngoài việc dẫn đầu về các khoáng sản quan trọng, các công ty Trung Quốc còn giành được các hợp đồng xây dựng hạ tầng năng lượng, đường sắt, đường bộ và bất động sản ở nhiều nước châu Phi, chẳng hạn như các công ty Trung Quốc đang xây dựng các tuyến đường sắt lớn tại Tanzania.
>> Điều gì cuốn hút các doanh nghiệp ASEAN vào châu Phi?
Năm ngoái, Tập đoàn Xây dựng Công trình Dân dụng Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc cũng đã giành được hợp đồng thứ hai trị giá 2,2 tỷ USD để xây dựng giai đoạn thứ sáu và phần cuối cùng của tuyến đường sắt dài 2.561 km ở Tanzania.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc và Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc cũng đã giành được các dự án xây dựng trị giá 930 triệu USD ở Tanzania. Ngoài ra, công ty Weihai Huatan của Trung Quốc đang đầu tư 110 triệu USD để xây dựng Trung tâm Thương mại và Hậu cần Đông Phi tại đây.
Ông Wang cho biết thêm, các điểm đến hàng đầu cho hoạt động đầu tư và xây dựng của các doanh nghiệp Trung Quốc là Tanzania, DRC, Nigeria, Botswana, Algeria, Zimbabwe và Ethiopia. Đặc biệt, ở Zimbabwe, trong đó hàng tỷ USD đã được bơm vào lĩnh vực sản xuất và chế biến lithium.
Các chuyên gia cũng dự đoán, các hợp đồng xây dựng và đầu tư theo sáng kiến BRI sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Đặc biệt, sẽ có các khoản đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở cả Trung Quốc và các quốc gia thuộc Sáng kiến BRI.
Chuyên gia Wang nhận định: “Điều này mang lại cơ hội lớn cho việc thúc đẩy các thỏa thuận khai thác và chế biến khoáng sản, cũng như các thỏa thuận công nghệ như sản xuất xe điện, sản xuất pin và năng lượng xanh”.
Mark Bohlund, nhà phân tích nghiên cứu tín dụng cấp cao tại REDD Intelligence, cho biết các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho châu Phi có thể sẽ tăng lên, nhưng sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với mức đã thấy trong năm 2010-2015. Điều này chủ yếu là do hầu hết các chính phủ châu Phi hiện đang phải quản lý gánh nặng nợ cao hơn đáng kể đối với cả các chủ nợ trong và ngoài nước, cũng như không thể tiếp nhận nhiều khoản vay mới.
Có thể bạn quan tâm
Công nghệ y tế: Hướng đi mới của các startup châu Phi
01:33, 13/02/2024
Động lực tăng trưởng mới cho kinh tế châu Phi
03:00, 19/01/2024
Mỹ, EU toan tính gì khi tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi?
03:00, 12/10/2023
Điều gì cuốn hút các doanh nghiệp ASEAN vào châu Phi?
03:30, 27/09/2023
Vì sao Ấn Độ đưa Liên minh châu Phi vào G20?
03:30, 10/09/2023