Các doanh nghiệp trong khối ASEAN đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các thị trường phi truyền thống, đặc biệt ở châu Phi.
>>Vì sao Ấn Độ đưa Liên minh châu Phi vào G20?
Các công ty Đông Nam Á đang đánh giá các khoản đầu tư tiềm năng vào thị trường châu Phi để hỗ trợ tăng trưởng và tìm kiếm cơ hội mới trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi như mong muốn.
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN lo ngại rằng, sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á- khu vực có quan hệ thương mại chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Điều quan trọng là chúng tôi hiện đang xem xét các thị trường phi truyền thống khác. Chúng tôi đã thảo luận về Châu Phi”, ông Rasjid nói thêm.
Với dân số hơn 1 tỷ người, Châu Phi được các doanh nghiệp từ phần còn lại của thế giới coi là nơi có nhiều thị trường tiềm năng trong tương lai.
Vào cuối tháng 8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến đi đầu tiên tới châu Phi. Chuyến công du của ông tới Kenya, Tanzania, Mozambique và Nam Phi đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách ngoại giao kinh tế của Indonesia khi nước này tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm dược phẩm và hàng hóa như dầu cọ.
Mặc dù không nêu tên các quốc gia châu Phi cụ thể, nhưng ông Rasjid cho biết các nước ASEAN hiện đang đánh giá nhu cầu tại khu vực này. Ông cũng cho rằng ASEAN cũng nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Phi để thúc đẩy thương mại hiệu quả giữa hai khu vực.
Một số công ty Đông Nam Á đã có mặt ở châu lục này nhưng con số vẫn còn rất khiêm tốn. Trong số đó có Indofood, đơn vị trực thuộc tập đoàn Salim Group của Indonesia. Thương hiệu mì ăn liền hàng đầu của họ, Indomie, được phân phối rộng rãi ở các nước như Kenya, Tanzania và Uganda.
>>Củng cố tiềm năng tăng trưởng của ASEAN
Trong khi đó, Mega Lifesciences của Thái Lan cũng đã đầu tư vào 10 quốc gia châu Phi để cung cấp thuốc và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng từ thảo dược.
Ông Rasjid nói: “Làm thế nào để các doanh nghiệp ASEAN có thể làm việc với các doanh nghiệp ở châu Phi mới là yếu tố rất quan trọng". Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng một số quốc gia châu Phi hiện phải đối mặt với những thách thức trong việc giải quyết nợ từ Trung Quốc và những phàn nàn về việc phụ thuộc quá nhiều vào lao động Trung Quốc so với người dân địa phương.
Theo Giáo sư Kevin Urama, chuyên gia kinh tế trưởng và Phó chủ tịch Nhóm Ngân hàng Phát triển Châu Phi, khẳng định Châu Phi mang lại cơ hội đầu tư rộng lớn cho các nước châu Á với những ưu đãi phù hợp.
"Châu Phi vẫn có khả năng phục hồi tốt mặc dù phải trải qua những cú sốc đáng kể, đặc biệt là từ đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và tác động từ chiến sự Nga - Ukraine. Từ mức tăng trưởng kinh tế 3,8% vào năm 2022, lục địa này dự kiến sẽ tăng lên 4,1% vào năm 2023", ông Kevin Urama nói.
Đồng quan điểm, ông Edmond Wega, Giám đốc điều hành của Ngân hàng phát triển châu Phi, cho biết các nhà đầu tư ASEAN phải nhìn xa hơn những yếu tố không thuận lợi về châu Phi để nắm bắt cơ hội đầu tư ở châu lục này.
Ông nói: “Châu Á cần sử dụng công nghệ và kiến thức của mình để xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với châu Phi và hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Phi để đạt được sự phát triển bền vững cho cả hai khu vực".
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh những tiềm năng to lớn của châu Phi về tăng trưởng xanh khi xét đến tốc độ tăng dân số nhanh, tiềm năng về năng lượng tái tạo và tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Có thể bạn quan tâm