Chính trị - Xã hội

Dịch tả lợn châu Phi và lằn ranh đạo đức nghề nghiệp

Nguyễn Thu Hà 19/07/2025 09:23

Từ những chuyến xe lén lút chở lợn bệnh đến xác lợn trôi nổi ở kênh nước sinh hoạt, nỗi lo không chỉ là con số mà là sự vô trách nhiệm kéo dài.

Những ngày gần đây, báo chí liên tiếp phản ánh những vụ vận chuyển lợn mắc dịch tả châu Phi bị phát hiện tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An… Sự việc này đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng buông lỏng kiểm soát dịch bệnh động vật.

Đáng lo ngại hơn, số vụ bị bắt giữ có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Câu hỏi nhức nhối là: bao nhiêu chuyến xe lợn bệnh đã lọt lưới và bao nhiêu mâm cơm của người dân đã bị “đầu độc” bởi nguồn thực phẩm kém an toàn?

Ảnh màn hình 2025-07-19 lúc 09.20.14
Tiêu hủy lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28/34 tỉnh, thành phố. Số lợn bị mắc, chết và tiêu hủy đã vượt quá 30.000 con. Đáng lo hơn, hiện vẫn còn 248 ổ dịch tại 20 địa phương chưa qua 21 ngày, dấu hiệu cho thấy nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng, đe dọa nghiêm trọng ngành chăn nuôi, nguồn cung thực phẩm và môi trường sống.

Tuy nhiên, điều đáng lo không chỉ là con số thống kê. Trên thực tế, không ít hộ dân vẫn cố tình giấu dịch, bán tháo lợn bệnh để “vớt vát” chi phí. Hành vi này không chỉ tiếp tay cho dịch bệnh lan rộng mà còn là tội ác đối với sức khỏe cộng đồng. Những chuyến xe lén lút chở lợn bệnh đi tiêu thụ, những xác lợn vứt bừa bãi ra ao hồ, kênh rạch - như ở Thanh Hóa, nơi lực lượng chức năng phát hiện tới 117 xác lợn chết trôi nổi trong hệ thống kênh cung cấp nước sinh hoạt - là minh chứng rõ ràng cho sự buông lỏng quản lý và thiếu ý thức của một bộ phận người dân.

Nhưng điều đáng nói là một số cơ quan quản lý cơ sở cũng đang thể hiện sự buông lơi trách nhiệm trong giám sát dịch bệnh và quản lý chăn nuôi. Hành vi vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh dù biết rõ hậu quả vẫn đang tồn tại như một “vết loét” khó lành trên bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 109/CĐ-TTg, chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương siết chặt công tác phòng chống dịch. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền cơ sở trong việc xử lý triệt để các ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh kịp thời, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, ngăn chặn vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.

Công điện cũng yêu cầu các lực lượng chức năng từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đến Bộ Công Thương, Tài chính cùng vào cuộc, tăng cường kiểm soát buôn lậu, kiểm dịch động vật, xử lý nghiêm hành vi vứt xác lợn gây ô nhiễm môi trường. Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao trọng trách chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để triển khai hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch giai đoạn 2020 - 2025, đồng thời nâng cao vai trò của các chi cục thú y tại địa phương trong việc bám sát cơ sở, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và khoanh vùng dịch ngay từ đầu.

Điểm đáng chú ý trong chỉ đạo lần này là yêu cầu rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật nếu để dịch bệnh lan rộng do thiếu trách nhiệm chỉ đạo. Đây là bước đi cần thiết để nâng cao tính chủ động và quyết liệt từ cấp cơ sở, nơi thực thi chính sách và là tuyến đầu trong phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông cũng được đặc biệt nhấn mạnh. Các cơ quan báo chí, truyền hình được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, phương pháp phòng tránh và hướng dẫn người dân tiếp cận thông tin khoa học, chính thống. Sự vào cuộc đồng bộ, đa chiều sẽ giúp thay đổi nhận thức và nâng cao trách nhiệm cộng đồng – yếu tố then chốt để dập tắt dịch bệnh một cách bền vững.

Song, bên cạnh các biện pháp hành chính, pháp lý, chúng ta không thể thiếu một yếu tố cốt lõi: đạo đức và ý thức công dân trong sản xuất nông nghiệp. Mọi chế tài cũng trở nên vô nghĩa nếu người chăn nuôi vẫn lén lút bán tháo lợn bệnh, nếu người vận chuyển vẫn bất chấp quy định, và nếu người tiêu dùng vẫn thờ ơ với nguồn gốc thực phẩm. Một nền chăn nuôi an toàn không chỉ đến từ chính sách và kiểm tra, mà còn phải bắt nguồn từ văn hóa sản xuất có trách nhiệm.

Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chỉ thực sự bền vững khi song hành với an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dịch tả lợn châu Phi không chỉ là câu chuyện thú y, mà là vấn đề an sinh, là bài toán quản trị quốc gia, là chỉ dấu cho năng lực điều hành và ý thức công dân.

Chúng ta cần nhiều hơn nữa những hành động quyết liệt từ chính quyền, doanh nghiệp đến từng người dân để không còn cảnh xác lợn trôi sông, không còn nỗi lo thịt bệnh lên bàn ăn, và không còn ai phải trả giá bằng sức khỏe vì sự thờ ơ, vụ lợi của kẻ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dịch tả lợn châu Phi và lằn ranh đạo đức nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO