Tổng thống Donald Trump muốn Hoa Kỳ thúc đẩy thương mại nhiều hơn với các quốc gia châu Phi, nhưng nhiều nền kinh tế tại châu lục này khó tương thích với thuế quan.
Ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Nhà Trắng, đón tiếp lãnh đạo 5 quốc gia châu Phi, bao gồn: Gabon, Guinea-Bissau, Liberia, Mauritania và Senegal.
Phóng viên của hãng tin AP trong một bài tường thuật đã lưu ý đến 2 chi tiết: Ông Trump khen ngợi khả năng nói tiếng Anh của Tổng thống Liberia Joseph Boakai - ngôn ngữ chính thức của quốc gia này; và ra hiệu cho một nhà lãnh đạo khác kết thúc bài phát biểu.
Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là cam kết của Washington về việc tái cấu trúc quan hệ Hoa Kỳ - châu Phi: chuyển từ viện trợ sang thương mại, ngay cả khi khu vực này đang chao đảo vì thuế quan cao và cắt giảm viện trợ mạnh tay của ông Trump.
Sau khi cắt giảm hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài, bao gồm cả việc đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - nơi đã cung cấp hơn 12 tỷ USD viện trợ nhân đạo chỉ riêng trong năm 2024, Hoa Kỳ đang xây dựng một cách tiếp cận mới với châu lục này: “ngoại giao thương mại”.
Các nhà lãnh đạo châu Phi đã đề nghị cung cấp các khoáng sản từ mangan đến uranium và có thể cả lithium. Tổng thống Senegal thậm chí còn tìm cách tác động đến sở thích chơi golf của ông Trump bằng cách mời ông xây dựng một sân golf. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn lo ngại về sự thay đổi của Washington.
Fitrell, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại châu Phi cho biết: “Các đại sứ giờ đây sẽ được đánh giá không phải dựa trên các dự án viện trợ mà dựa trên khả năng hỗ trợ của họ đối với các doanh nghiệp địa phương và mức độ hiệu quả của họ trong việc vận động cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh tốt hơn”.
Châu Phi chiếm chưa đến 1% thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ, nhưng Fitrell gọi đây là thị trường chưa được khai thác lớn nhất thế giới, dự đoán sức mua của thị trường này có thể vượt quá 16 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2050.
Các doanh nghiệp đã cam kết đầu tư 2,5 tỷ đô la Mỹ vào “lục địa đen” tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Hoa Kỳ -Châu Phi diễn ra hồi tháng 6 vừa qua. Các dự án bao gồm kho chứa ngũ cốc và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Angola, các dự án năng lượng ở Rwanda, Sierra Leone và Congo, và du lịch ở Ethiopia.
Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế châu Phi vẫn bất an với chính sách mới của ông Trump, tình trạng mất việc làm và thiệt hại kinh tế do thuế quan đang gia tăng. Nhà Trắng đã áp thuế 30% đối với một số mặt hàng của Nam Phi và đe dọa sẽ áp thêm 10% đối với các quốc gia liên kết với khối BRICS gồm các nền kinh tế đang phát triển.
Xuất khẩu xe hơi từ Nam Phi sang Hoa Kỳ đã giảm mạnh, làm tổn thương trực tiếp đến chương trình nghị sự công nghiệp hóa của Nam Phi, khiến hơn 100.000 việc làm, chủ yếu trong lĩnh vực ô tô và nông nghiệp của nước này đang bị đe dọa.
Các nền kinh tế nhỏ hơn cũng đang chao đảo. Lesotho đã tuyên bố tình trạng thảm họa sau khi bị Hoa Kỳ đe dọa áp thuế 50% theo thông báo từ ngày 2/4. Từ những người nông dân trồng vani ở Madagascar đến những người trồng ca cao ở Bờ Biển Ngà và các nhà xuất khẩu dầu mỏ ở Nigeria, thuế quan đã làm rung chuyển mọi nền kinh tế châu Phi và làm dấy lên nghi ngờ về cách tiếp cận mới của Washington.