Phát triển du lịch cộng đồng của làng nghề dệt đũi hàng trăm năm tuổi
Với thế mạnh là sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, thân thiện thiên nhiên, con người hiền hòa, dễ mến, làng nghề dệt đũi Nam Cao được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng.
>>>Thái Bình – chuyến xe yêu thương
Tiềm năng phát triển
Năm 2023, làng nghề dệt đũi Nam Cao - huyện Kiến Xương - tỉnh Thái Bình đã đón khoảng trên 13.000 du khách trong nước, quốc tế. Tham gia hành trình trải nghiệm làng nghề dệt đũi Nam Cao, như biết bao du khách, khoác balo lên vai, len qua những ngõ nhỏ, chị Hải Ngân cho biết: Đến với làng nghê dệt đũi Nam Cao như bước vào một không gian hoàn toàn khác. Không tiếng còi xe, không phố xá ồn ã tấp nập, thời gian như ngưng đọng nơi những nếp nhà có phần xưa cũ.
Ngoài sân là cả giàn gấc xanh mướt, khi chín đỏ sẽ được doanh nghiệp thu mua, trở thành nguyên liệu nhuộm màu cho những tấm vải đũi sau này. Bên mái hiên, bà ngồi kéo đũi, ông ngồi quay tơ. Các nghệ nhân cao tuổi nơi đây chia sẻ, việc kéo sợi đơn giản nhưng thực chất rất vất vả, người kéo phải ngâm tay làm việc trong nước bất kể đông hay hè, phải tinh mắt và có tay nghề, cần mẫn cả ngày mới được 70 - 100 gram đũi. Công việc này chủ yếu được làm bởi những phụ nữ cao tuổi, mong muốn góp phần phục hồi nghề truyền thống của làng xã, của cha ông. Quanh co trong ngõ nhỏ, chúng tôi đến thăm những cây duối cổ thụ, những cổng nhà được kết từ cây duối, nghe giới thiệu tác dụng không ngờ của lá duối trong quá trình làm nên sợi đũi… Thế mới biết, người làng đũi yêu và vô cùng trân trọng những cây duối cổ thụ của làng!
Theo ông Ahmedabad - Du khách Ấn Độ: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và trải nghiệm tại làng dệt đũi Nam Cao, tôi được hướng dẫn cho ghé thăm những gian nhà với tiếng khung cửi lạch cạch cả ngày không ngơi. Các sản phẩm đũi nơi đây chủ yếu sử dụng khung dệt thủ công, mỗi khung dệt đều có tuổi đời vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm tuổi. Tôi được nghe biết bao câu chuyện về những thăng trầm của làng nghề, và những cao nhân, già làng chia sẻ những mong muốn chung tay phục dựng, bảo tồn nghề truyền thống. Tôi đã được chính các nghệ nhân truyền tải tới thông qua cử chỉ thay bằng ngôn ngữ rất mộc mạc khiến cho tôi những ấn tượng rất khó quên.
Bà Lương Thanh Hạnh - Giám đốc HTX dệt đũi Nam Cao chia sẻ: Khi khách du lịch tham quan làng nghề, nhiều người cho biết ấn tượng và yêu quý nụ cười hồn hậu, gương mặt rạng ngời của người dân nơi đây. Du khách được tận mắt chứng kiến quá trình làm ra một sản phẩm hoàn toàn thủ công từ đầu tới cuối, bởi vậy thêm tin yêu và trân trọng sản phẩm của làng nghề. Thuận lợi trong phát triển du lịch của làng nghề dệt đũi Nam Cao là khách quốc tế đã biết về sản phẩm qua các kênh truyền thông hoặc qua chính chương trình giới thiệu sản phẩm của HTX tại các nước nên mong muốn tới thăm, tìm hiểu làng nghề mang nét đặc trưng về văn hóa và chứng kiến quá trình làm ra thành phẩm từ kéo đũi, quay tơ, đánh ống, dệt vải…
Nếu như trước đây, đũi Nam Cao chủ yếu chỉ có màu trắng ngà, nâu đất thì nay đã có nhiều sự thay đổi, được nhuộm bằng những màu thiên nhiên đạt chuẩn hữu cơ như màu đỏ của gấc, màu tím của nếp cẩm, màu xanh của lá cây, màu vàng nguyên bản từ kén tằm, màu nâu từ lá bàng… Ngay ở màu vàng nguyên bản cũng có những gam màu khác nhau, tạo nên sự thích thú, ấn tượng cho du khách khi tham quan tại vùng sản xuất.
Cần chiến lược dài để phát triển
Theo đại diện Daihoa Silk chia sẻ:Là cơ sở sản xuất dệt đũi tơ tằm thủ công gia truyền được dẫn dắt bởi nghệ nhân Nguyễn Đình Đại. Ông là một trong những nghệ nhân tài ba của xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Với sự đam mê và tâm huyết với nghề ông Đại luôn nỗ lực tìm tòi sáng tạo ứng dụng những kỹ thuật mới để làm ra những mẫu vải đũi độc đáo, sang trọng chinh phục nhiều thị trường quốc tế khó tính như: Pháp, Hàn, Nhật, Thái Lan, Lào…
Ngoài ra, ông còn tham gia tích cực trong việc bảo tồn và phát triển nghề dệt đũi tơ tằm thủ công tại địa phương. Ông Đại chia sẻ: Song song với nhiều thuận lợi, khó khăn hiện nay trong phát triển du lịch cộng đồng ở làng nghề dệt đũi Nam Cao. Hiện nay, làng nghề còn nhiều hộ dân chưa có kỹ năng trong giao tiếp, giới thiệu sản phẩm với du khách, đặc biệt với những đoàn khách quốc tế, việc giao tiếp chủ yếu thông qua hướng dẫn viên. Ngoài ra, nghề dệt đũi đòi hỏi quá trình lao động cần mẫn, công phu nên ít thu hút được người trẻ tham gia.
Bà Lương Thanh Hạnh - Giám đốc HTX dệt đũi Nam Cao chia sẻ: Du khách hiện nay khi về tham quan tại làng nghề chưa có nơi ăn, nghỉ thuận tiện nên thường là các chuyến đi ngắn trong ngày. Trường hợp dùng bữa trưa tại làng nghề, các đoàn khách sẽ được bố trí ăn tại điểm tham quan là nhà của nghệ nhân. Vì vậy, HTX đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai khu sản xuất tập trung và tham quan trải nghiệm.
Hiện nay, đối với khách quốc tế, HTX dệt đũi Nam Cao đón các đoàn khách chủ yếu đến từ Mỹ, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc... với các tour diễn ra trong ngày. Người dân làng nghề mong mỏi, khi khu sản xuất tập trung và tham quan trải nghiệm được hoàn thiện sẽ không chỉ là điểm đến lý tưởng đối với du khách trong nước và quốc tế mà còn góp phần tăng thêm trải nghiệm, giúp du khách lưu trú tại Thái Bình lâu hơn, hình thành các tour du lịch kết nối giữa làng nghề dệt đũi Nam Cao với đa dạng điểm đến về văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Du khách trải nghiệm tại làng dệt đũi Nam Cao
Ông Trương Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Làng nghề dệt đũi Nam Cao vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào cho làng nghề.
Theo ông Cường: Qua khảo sát trực tiếp tại làng nghề dệt đũi Nam Cao, phải khẳng định nơi đây có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Thời gian tới, hỗ trợ phát triển du lịch tại làng nghề, song song với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tích cực tổ chức các lớp tập huấn tại làng nghề, từ đó, người dân nơi đây có thể trau dồi kỹ năng tiếp đón khách du lịch, quảng bá sản phẩm của địa phương.
Đồng thời, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ hỗ trợ làng nghề trong kết nối các tour, tuyến, hình thành điểm đến về du lịch tại địa phương. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, sự đồng thuận của nhân dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, làng nghề dệt đũi Nam Cao với những thế mạnh của mình sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế.
Có thể bạn quan tâm