Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 tăng 24,8%
Sự phục hồi của xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất trong tháng đầu năm (PMI trên ngưỡng 50) đã thúc đẩy các doanh nghiệp được thành lập mới cũng như quay trở lại hoạt động tăng lên.
>>>Cải thiện môi trường kinh doanh - Chủ động tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, PMI ngành sản xuất – Việt Nam đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, kết quả này cho thấy sức khoẻ ngành sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện lần đầu tiên trong 5 tháng, nhưng mức cải thiện lần này khá nhỏ.
TPS cho rằng, sự cải thiện chủ yếu đến từ việc tăng nhẹ của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong khi đó các công ty vẫn duy trì số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng gần như không thay đổi vào tháng đầu năm 2024. Một điểm đáng chú ý là các công ty đã giảm giá bán hàng và điều này phản ánh tình trạng nhu cầu vẫn tương đối yếu.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 407,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Theo TPS, phần lớn mức tăng đến từ hoạt động bán lẻ hàng hoá do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, người tiêu dùng tích cực mua sắm cho dịp Tết và nhiều siêu thị, cửa hàng thực hiện chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Một số sản phẩm thuộc nhóm hàng hoá bán lẻ tăng mạnh như Vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22,5% so với cùng kỳ; thiết bị gia đình tăng 13,4%; lương thực, thực phẩm tăng 6,2%.
“Trong thời gian tới, khi xuất khẩu phục hồi, giải ngân vốn FDI & đầu tư công tiếp tục tăng và khách du lịch quốc tế phục hồi sẽ góp phần cải thiện thu nhập người tiêu dùng, đưa cầu tiêu dùng tăng cao hơn”, TPS đánh giá.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, Công ty Chứng khoán này đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu xuất hiện tín hiệu tích cực trong tháng đầu năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 01/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6% so với cùng kỳ, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực FDI tăng 35,6% so với cùng kỳ, chiếm 73,1%. Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính 9,6 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và 33,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 49,6%, chiếm 36,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, khu vực FDI tăng 25,5% so với cùng kỳ, chiếm 63,6%. Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính 10,9 tỷ USD.
Cũng theo TPS, trong tháng 1/2024, cả nước có 27,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trong đó, có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24,8% so với cùng kỳ và 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Xét theo khu vực kinh tế, tháng 01/2024 số doanh nghiệp thành lập mới khu vực nông-lâm-thuỷ sản tăng 20,8% so với cùng kỳ, khu vực công nghiệp & xây dựng tăng 26,3% so với cùng kỳ và khu vực dịch vụ tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong tháng 1/2024, có 53,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 25,5% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 14% so với cùng kỳ và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 6,2% so với cùng kỳ.
“Như vậy, sự phục hồi của xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất (PMI trên ngưỡng 50) đã thúc đẩy các doanh nghiệp được thành lập mới cũng như quay trở lại hoạt động tăng lên. Tuy nhiên, doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ, quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng chiếm 91,8% chủ yếu đến từ lĩnh vực dịch vụ, bất động sản. Lĩnh vực xuất khẩu đang được phục hồi khá tích cực sẽ là yếu tố chính thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản khi mà FDI đăng ký mới lĩnh vực này đang tăng mạnh”, TPS đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Cải thiện môi trường kinh doanh - Chủ động tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
18:39, 19/02/2024
Gỡ “nút thắt” chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
18:26, 19/02/2024
Thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Hải Dương những ngày đầu năm
16:36, 19/02/2024
Quảng Nam tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
14:27, 19/02/2024
Hãng tàu tăng phí THC, doanh nghiệp xuất nhập khẩu “kêu khó”
13:21, 19/02/2024