Được cho có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DNNNV tiếp cận vốn, tuy nhiên, theo chuyên gia, việc áp dụng chính sách bảo lãnh tín dụng vẫn còn đó không ít khó khăn, cần được tháo gỡ…
>> Đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Thống kê cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp không nhỏ vào việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Nhà nước cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho DNNVV hoạt động hiệu quả, đặc biệt, là các chính sách hỗ trợ vay vốn tại các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính...
Hiện, các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng chủ yếu thông qua 3 nguồn chính: Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Quỹ phát triển DNNVV; Tín dụng ngân hàng. Trong đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được thành lập theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, ngày 08/3/2018 của Chính phủ được đánh giá là một trong những sáng kiến rất hữu ích.
Tính đến năm 2022, hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV có 25 quỹ với số vốn điều lệ gần 1.500 tỷ đồng. Nghị định số 34/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn sau 5 năm triển khai đã tạo nguồn vốn vay để phát triển các DNNVV, góp phần tích cực đồng bộ hóa hệ thống chính sách tài chính ngân hàng, đóng góp sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc áp dụng chính sách bảo lãnh tín dụng được cho vẫn còn đó không ít khó khăn, bất cập.
Thực tế cho thấy, một số địa phương không mặn mà với việc thực hiện quyền và trách nhiệm trong phát triển và duy trì hoạt động của quỹ, có những địa phương sau khi thành lập quỹ một thời gian lại giải thể do không duy trì được hoạt động.
>> Phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn
Ngoài vấn đề đã nêu, một trong những điểm đáng chú ý nổi lên trong quá trình triển khai thời gian qua là việc một số địa phương không có tiêu chí rõ ràng để bảo lãnh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, lãnh đạo của nhiều địa phương cũng tỏ ra chưa thực sự quan tâm đến hoạt động và vai trò của quỹ,… chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà Chính phủ giao và phân cấp.
Nhìn nhận xoay quanh vấn đề này, ông Đoàn Anh Tuấn - Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, quy chế bảo lãnh tín dụng đối với các DNNVV quá chặt chẽ. Cụ thể, tại Điều 16 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP quy định việc bảo lãnh của quỹ phải có tài sản thế chấp.
Trong khi đó, DNNVV có quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác; thiếu hoặc không đủ tài sản đảm bảo… dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn ngân hàng thương mại
Theo ông Tuấn, cũng tại Điều 16 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP quy định, trong trường hợp bảo lãnh tín chấp, Chủ tịch quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hay Hội đồng tín dụng cấp bảo lãnh sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và bảo toàn vốn, cũng như các nguyên tắc về quản lý tài chính.
Quy định này có thể dẫn đến tâm lý e ngại khi triển khai bảo lãnh tín dụng của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương.
Trước thực trạng đã nêu, vị chuyên gia này cho rằng, để thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của DNNVV đồng thời nâng cao hiệu quả bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về bảo lãnh tín dụng.
Chính phủ nên thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng ở quốc gia, hợp nhất sức mạnh của các quỹ ở cấp địa phương và xem đây như hệ thống chi nhánh và có các cơ chế bổ sung nguồn lực từ các quỹ dự trữ, tái cấp vốn để tăng quy mô vốn điều lệ, giúp hệ thống quỹ hoạt động hiệu quả hơn.
“Có thể tham khảo mô hình KODIT của Hàn Quốc để triển khai cho quỹ này”, vị chuyên gia này đề xuất.
Đồng thời cho hay, cần có chính sách ưu đãi để thu hút vốn điều lệ cho quỹ bảo lãnh tín dụng. Do quỹ bảo lãnh tín dụng là tổ chức phi lợi nhuận, nên Nhà nước cần có cơ chế tài chính khuyến khích các ngân hàng thương mại, tổ chức hiệp hội và các doanh nghiệp, chẳng hạn như khi góp vốn vào quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ được miễn một phần thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ giữa số vốn góp so với tổng vốn hoạt động kinh doanh.
Còn theo TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, các chương trình bảo lãnh chỉ đạt được hiệu quả khi doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, ngân hàng kinh doanh tốt, nhân viên chuyên nghiệp và có khả năng thẩm định khi người vay không đủ tài sản thế chấp.
“Mặt khác, có một thực trạng là sự phối hợp giữa quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân hàng thương mại tại Việt Nam còn kém hiệu quả. Do đó, để tăng cường sự phối hợp từ hai phía, cần phải tạo niềm tin từ phía ngân hàng đối với các quỹ này”, TS. Đặng Đức Anh đề xuất.
Theo vị chuyên gia này, các ngân hàng thương mại cũng có lợi ích nhất định từ việc tham gia cho vay các doanh nghiệp được bảo lãnh. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề này cũng cho thấy, họ thiết lập cơ chế trách nhiệm chia sẻ rủi ro cho cả quỹ bảo lãnh tín dụng và các ngân hàng thương mại với tỷ lệ tương ứng 80% và 20%. Với cơ chế này, khi chịu trách nhiệm về khoản vay được bảo lãnh, các ngân hàng thương mại sẽ tăng trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho vay và xử lý thu hồi nợ.
Có thể bạn quan tâm
Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
11:30, 19/02/2024
Đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
22:33, 17/02/2024
Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển
01:00, 16/02/2024
Triển vọng tín dụng ngành ngân hàng năm 2024
04:40, 12/02/2024
Tăng năng lực cho hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tín dụng xanh
04:50, 11/02/2024